CafeLand - Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%.

Đó là thông tin được Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đưa ra trong buổi thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tham gia Hiệp định có rất nhiều cơ hội bởi đây là là thị trường lớn 11 quốc gia với GDP khoảng 11 tỷ đô la, chiếm 13,5% GDP toàn cầu; kim ngạch xuất khẩu 10 nghìn tỷ USD; chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu; dân số 500 triệu dân.

Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM phân tích, hiệp định là hiệp định thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và minh bạch. Hiệp định được gọi là toàn diện và tiến bộ vì hiệp định không chỉ bàn về thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử mà còn bàn sâu về một số lĩnh vực phi thương mại khác như như đầu tư, lao động.

Hơn nữa, Hiệp định này tiến bộ so với các hiệp định mà Việt Nam đã ký vì đã quan tâm tới tất cả thành phần kinh tế trong xã hội, kể cả các khu vực yếu thế, bảo vệ người lao động, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, hiệp định hướng tới đảm bảo tất cả người dân trong khu vực được hưởng lợi từ việc ký kết Hiệp định CPTPP.

Mặc dù khẳng định tham gia Hiệp định CPTPP có nhiều cơ hội với Việt Nam nhưng nhiều đại biểu cũng nêu nhiều thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá thách thức và cơ hội để biến thách thức thành cơ hội.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.