Khả năng ở mức dưới 0,5%
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với lần tăng giá điện cuối tháng 7 cùng hai đợt tăng giá xăng dầu và không loại trừ sắp tới giá xăng cũng được điều chỉnh tăng chính là những yếu tố đầu vào khiến cho CPI tháng 8 vượt qua được ngưỡng âm đã duy trì trong tháng 6 và 7 vừa qua.
“CPI tháng này khả năng đạt mức dưới 0,5%”, ông Phong dự báo.
Những đợt điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, gas… vừa qua khiến CPI tháng 8 tăng
(Ảnh: T.Nghị)
Đặc biệt, ông Phong cũng cho rằng tín hiệu nới lỏng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước đang rất rõ nét. Một khi giải ngân được nhiều hơn, lãi suất cũng giảm, hoạt động tín dụng được mở rộng thi tổng cầu sản xuất cũng đang có dấu hiệu được phục hồi.
“Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng trong dân chúng vẫn chưa được cải thiện nhiều vì thu nhập vẫn thấp nên CPI cũng không thể có những bước tăng đột biến”, ông Phong cho biết.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giá cả thị trường (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, CPI tháng 8 khó âm bởi tổng hai lần tăng giá xăng vừa qua sẽ được tính trọng tháng này.
“Thời điểm này chưa thấy được yếu tố nào trong rổ hàng hóa như lương thực thực phẩm hay năng lượng có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng như giá xăng-một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất lần tiêu dùng”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, do Việt Nam vẫn là nước hướng đến mục tiêu tăng trưởng nên chắc chắn bằng mọi biện pháp Chính phủ không thể để những dấu hiệu suy giảm kinh tế kéo dài, do đó CPI tháng thứ ba liên tiếp âm là điều không thể.
Thận trọng “nới” tín dụng
Theo ông Long, trong những nhóm giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ đang thực hiện như miễn giảm thuế, hạ lãi suất cho vay, giải quyết hàng tồn kho, xúc tiến thương mại… thì đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đang giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết được khó khắn trước mắt.
“Nhưng nếu cố giải ngân bằng mọi giá lại rất nguy hiểm, điều này cũng giống như giảm lãi suất cho vay đồng thời giảm cả điều kiện cho vay thì rủi ro lạm phát quay lại là rất cao”, ông Long quan ngại.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết, thời điểm này tuy lãi suất có hạ, van tín dụng được nới để doanh nghiệp “dễ thở” hơn nhưng không nhiều khách hàng có đủ tiêu chuẩn được vay nên khả năng việc doanh nghiệp vay ồ ạt là rất khó xẩy ra.
Tuy nhiên, ông Kiêm cũng thừa nhân, 7 tháng vừa qua tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (tính cả trái phiếu) cũng chỉ tăng 1,06%, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước dự báo năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 6-8%. Điều này có nghĩa từ nay đến cuối năm khả năng giải ngân ồ ạt là điều có thể bởi không còn nhiều thời gian để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
“Giả sử như tháng 8 và tháng 9 tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm thì giải ngân có thể được bung trong 3 tháng cuối năm nay. Nếu không kiểm soát cẩn thận, vòng quay lạm phát lại quay trở lại trong năm 2013”, ông Kiêm nói.
Vì vậy, theo các chuyên gia, tìm mọi cách giúp doanh nghiệp đến được nguồn vốn thúc đẩy sản xuất là quan trọng nhưng cần thiết phải thận trong trong việc nới tín dụng hơn nữa vì mục tiêu lâu dài của chúng ta vẫn là kiềm chế lạm phát.