Chỉ số CPI tăng nhẹ vào tháng 6 có thể coi là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ trong thời gian qua.
Trong tháng này có 3/11 nhóm hàng giảm giá, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CPI là nhóm ăn và dịch vụ ăn uống, giảm nhẹ ở mức 0,08%. Cụ thể, lương thực giảm 0,62%, thực phẩm giảm 0,03%, trong khi ăn uống ngoài gia đình tăng 0,28%. Nhóm giao thông giảm 0,09%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
Có 8 nhóm tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,42%; nhóm văn hóa giải trí tăng 0,4%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,09%...
Như vậy có thể thấy chỉ số CPI biến động khá trái chiều trong những tháng gần đây, đó là giảm vào tháng 3 và tháng 5 nhưng lại tăng vào tháng 4 và tháng 6. Tính trong 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,4% so với tháng 12 năm trước, là mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Theo bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong rổ hàng hóa tháng này có nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ, nhưng do quyền số thấp, trong khi mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm quyền số cao lại giảm giá. Nguyên nhân mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm giá một phần do nguồn cung khá dồi dào và ổn định trong khi người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn.
Thực tế sản xuất vẫn tăng nhưng lĩnh vực tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho vẫn còn khó khăn do cầu còn yếu. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cũng cần có thời gian để tác động trong dài hạn chứ không hoàn toàn đạt mục tiêu ngắn hạn, bà Hằng cho biết thêm.
Dù không nằm trong rổ tính chỉ số CPI là giá vàng và giá USD trong tháng này có diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận các mức giảm 4,11% và tăng 0,26% so với tháng trước.