Ảnh minh họa.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,27%.
Đây là tín hiệu lạc quan giúp CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. Bên cạnh đó, trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Mặt khác, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm cũng tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
CPI tháng 3 giảm ở 4/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức giảm từ 0,03 - 0,96%; trong đó, mức giảm nhiều nhất thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và giảm thấp nhất là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông. Còn các nhóm khác tăng nhẹ ở mức từ 0,03% - 0,24%.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 3/2014 giảm khá mạnh là do nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên Đán đã giảm; giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên Đán.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn nên người dân cũng cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm mạnh nhất 0,96% so với tháng 2. Nguyên nhân là do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Thu Đông với năng suất khá cao nên giá lúa gạo giảm. Đồng thời, do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, một số thị trường truyền thống giảm nhập khẩu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tác động đến giá trong nước. Trong tháng giá gạo bán lẻ trên thị trường giảm từ 300 -500 đ/kg. Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán giá các mặt hàng thực phẩm giảm khá mạnh do nhu cầu về các mặt hàng này đã trở lại bình thường và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng là nhóm hàng giảm giá mạnh nhất trong tháng 3, do giá gas được điều chỉnh giảm 31.000 đ/bình12kg từ ngày 1/3 và các tỉnh phía Nam bắt đầu vào mùa khô nên nhu cầu xây dựng tăng. Giá vật liệu xây dựng ổn định.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng này khá ổn định và giảm nhẹ 0,03% so với tháng 2; giá dịch vụ vận tải đường sắt giảm 4,56% và giá vé ô tô khách giảm 5,98%.
Dự báo về sự biến động của chỉ số CPI trong tháng 4, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng sẽ không tăng cao, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế ổn định. Dự kiến, CPI trong tháng 4 sẽ tăng nhẹ khoảng từ 0,1 - 0,2% so với tháng 3.