Các mô hình dự báo chỉ ra khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2012 có thể tăng khoảng 1,5% so với tháng trước.

CPI tháng 2/2012 có thể tăng khoảng 1,5%Các tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ đưa NDHMoney đến dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2012 sẽ tăng khoảng 1,5% so với tháng trước.

Cung cầu “lệch pha”

Nếu kịch bản này sát với thực thế, việc hứng một phần chu kỳ Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, CPI tháng 2/2012 tăng cao hơn tháng trước đó cũng đi kèm vài lưu ý.

Thứ nhất, mức tăng chỉ số giá ở tháng Tết năm nay là khá thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Thứ hai, việc điều chỉnh giá điện cuối năm ngoái bắt đầu tác động mạnh đến CPI tháng này. Thứ ba, kỳ lấy giá đầu tiên của Tổng cục Thống kê rơi vào ngày mùng 3 Tết, ít nhiều cũng không thể hiện hết diễn biến giá cả những ngày căng thẳng trước đó.

Nhưng nguyên nhân chính tác động đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng này vẫn là tương quan cung cầu “lệch pha” trong giai đoạn sản xuất đình trệ, nhưng nhu cầu tiêu dùng lại tăng mạnh nhất trong năm.

Theo số liệu từ Tổng tục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 ước giảm khoảng 12,9% so với tháng trước đó và giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã loại trừ yếu tố giá của tháng Tết năm nay tăng khoảng 4% so với năm trước.

Cùng với diễn biến kể trên, tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng ở thời điểm trước Tết tăng rất mạnh. Giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua thị trường mở (OMO) tổng cộng hơn 83 nghìn tỷ đồng, chỉ tính trong khoảng 3 tuần đầu tháng 1/2012.

Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán, cũng qua kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng rút mạnh tiền về. Chỉ 2 tuần đầu của tháng 2, đã có trên 112 nghìn tỷ đồng chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại qua kênh này.

“Việc Ngân hàng Nhà nước bơm tiền hỗ trợ thanh khoản trước Tết không ảnh hưởng đến CPI”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2012, được tổ chức mới đây.

Tâm điểm hàng ăn và dịch vụ ăn uống

Nhóm có khả năng tác động mạnh nhất đến CPI tiếp tục là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong đó CPI thực phẩm có mức tăng cao do tác động từ tăng giá thịt bò, lợn, gia cầm, thủy sản và một số loại rau, quả tiêu dùng nhiều dịp Tết.

Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực không có nhiều biến động, thậm chí có thể giảm nhẹ so với tháng trước. Ăn uống ngoài gia đình, theo quy luật vào dịp Tết tiếp tục có mức tăng khá cao.

Trong khi đó, giá các mặt hàng như rượu, bia, bánh kẹo; hàng thời trang; sản phẩm giải trí (đồ chơi các loại) tiếp tục tăng.

Một diễn biến bất thường khác là giá điện năm nay không chờ đến đầu tháng 3 mà đã được cho phép tăng từ trong năm 2011. Do điều chỉnh lùi lại so với thời điểm hiệu lực vì đặc thù sử dụng trước, thanh toán sau nên đến tháng này việc tăng giá điện mới tác động lớn đến CPI.

Cũng trong tháng, giá gas thế giới tăng mạnh đã tác động đến mặt bằng giá trong nước.

Từ những diễn biến trên, chúng tôi đặc biệt lưu ý các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; đồ uống thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa, giải trí và du lịch; thiết bị và đồ dùng gia đình có khả năng tăng CPI trong tháng này.

Một lưu ý nữa, mức tăng 1,5% như dự báo ở trên vẫn có khả năng được điều chỉnh thấp hơn do diễn biến giá cả những ngày gần đây đang dần ổn định trở lại, đặc biệt là ở một số nhóm có biến động mạnh như vừa nêu. NDHMoney sẽ tiếp tục cập nhật trong ít ngày tới.

Theo Trần Lê Minh (NDHMoney)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh