CPI qua các tháng năm 2010 và năm 2011 (tháng 12/2011 là NDHMoney ước tính). Nguồn: GSO
* Năm 2011, lạm phát thấp hơn năm 2008 nhưng vẫn rất cao trong khoảng 15 năm gần đây
Chu kỳ cuối năm tạo sức ép lên mặt bằng giá chung, khi các hoạt động
kinh tế đều tăng tốc, cộng hưởng với xu hướng gia tốc từ trước. Nhưng
biên độ tăng thấp hai tháng gần đây là cơ sở cho chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) tháng này khó tạo đột biến.
Các tính toán từ các mô hình
Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi
quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ đưa NDHMoney
đến dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng này có thể tăng khoảng 0,6% so
với tháng trước.
Nếu kịch bản này hiện thực, chỉ số giá tiêu
dùng sẽ có tháng thứ 2 liên tiếp tăng tốc so với tháng trước đó. Tuy
nhiên, biên độ thay đổi không lớn là khác biệt so với những năm có lạm
phát biến động mạnh.
Cũng với kịch bản CPI tháng 12/2011 tăng
khoảng 0,6%, so với cùng kỳ của khoảng 15 năm trở lại đây, mức tăng của
tháng này là khá thấp, khi có khoảng 10 năm mức tăng tháng tương ứng cao
hơn và rất ít năm có mức tăng thấp hơn.
Theo tính toán của
NDHMoney, với độ vênh rất lớn so với tháng 12 năm trước (CPI tháng
12/2010 tăng 1,98%), nên lạm phát theo năm sẽ điều chỉnh lớn. So với
cùng kỳ năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng từ mức tăng 19,83% trong tháng
trước, ước chỉ còn tăng khoảng 18,2% tại tháng này.
Như vậy,
lạm phát năm nay chắc chắn sẽ ở mức tăng thấp hơn kỷ lục của năm 2008
(cả năm tăng 19,89%), nhưng vẫn là năm có lạm phát rất cao trong khoảng
15 năm gần đây.
Sự điều chỉnh thấp của chỉ số giá tháng này,
như đã đề cập ở phần đầu, có nguyên nhân từ yếu tố mùa vụ cuối năm. Các
chỉ tiêu tiền tệ và tài khóa quan trọng, căn cứ vào thông tin công bố
chính thức của các cơ quan Chính phủ, đều có điều chỉnh nới hơn.
Với chính sách tiền tệ, theo thông tin mới đây từ Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh
toán trong năm nay ước khoảng 12-13% so với cuối năm ngoái.
Cũng liên quan đến những biến động trên thị trường tiền tệ, dữ liệu của
NDHMoney cho thấy, lượng tiền bơm ròng trên thị trường mở (OMO) của Ngân
hàng Nhà nước trong chu kỳ tính giá này đã cao hơn trước, đi kèm vẫn là
những xáo trộn lãi suất liên ngân hàng, được cho là chịu tác động từ
thiếu hụt thanh khoản tạm thời của một số tổ chức tín dụng nhỏ.
Nhưng trong khi chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định, theo lý
thuyết chính sách tài khóa tác động đến lạm phát gần như tức thì, do ảnh
hưởng lập tức đến lượng tiền có khả năng thanh toán.
Thông tin
đáng quan tâm là từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ
trong cuộc họp hồi đầu tháng này. Theo bộ chi ngân sách nhà nước đến
giữa tháng 11 ước khoảng 639 nghìn tỷ đồng, nhưng ước cả năm khoảng 796
nghìn tỷ đồng, tức là tăng thêm khoảng 157 nghìn tỷ đồng trong hơn 1
tháng cuối năm.
Số chi ngân sách năm nay khoảng 796 nghìn tỷ
đồng, so với dự toán được Quốc hội thông qua tăng khoảng 13,4%; và so
với thực hiện năm 2010 tăng khoảng 20,6%, cao hơn mức tăng trưởng tín
dụng và tổng phương tiện thanh toán như đã đề cập ở trên.
Trong
khi đó, cầu tiêu thụ ngoại cũng có chu kỳ tăng trong khoảng 3 tháng gần
đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong hai
tháng 10 và 11 đều cao hơn tháng trước đó khoảng 500 triệu USD.
Lực hút đối với hàng hóa từ các thị trường ngoại, cùng với giá cả tăng
trong các hợp đồng bán sản phẩm, tiếp tục tạo sức ép lên mặt bằng giá
trong nước.
Trong khi đó, cầu tiêu dùng nội địa vẫn duy trì xu
hướng tăng hàng tháng, dù chưa có đột biến như mọi năm nhưng với Tết
Nguyên đán năm nay đến sớm đã ảnh hưởng nhất định đến tiêu dùng ngay
trong tháng này.
Với từng nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
thiết yếu, trong tháng này NDHMoney đặc biệt lưu ý đến các nhóm lương
thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép;
thiết bị và đồ dùng gia đình; nhà ở và vật liệu xây dựng (chịu ảnh hưởng
bởi giá gas)…