Theo tính toán từ các mô hình Leontief và ARIMA, NDHMoney dự báo CPI tháng 10/2011 sẽ tăng dưới 0,5% so với tháng trước.
Thực phẩm tiếp tục giảm giá và nhóm giáo dục không còn tăng đột biến, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2011 đứng trước khả năng tiếp tục giảm tốc so với các tháng trước đó, khẳng định một lần nữa sức ép lạm phát đang giảm dần.

Theo tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney dự báo CPI tháng này sẽ tăng dưới 0,5% so với tháng trước.


Nếu kịch bản này sát với thực tế, diễn biến CPI sẽ có tháng thứ 3 liên tiếp hạ nhiệt, với tốc độ tăng đang thấp dần và về lại với mức của các năm ổn định trước đây. Theo dõi CPI các tháng 10 của khoảng 15 năm gần đây, chỉ số giá tháng này có thể thấp hơn tháng cùng kỳ của năm 2007 và 2010.


Độ “vênh” lớn với CPI tháng 10 năm ngoái khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này thay đổi mạnh ở các mức so sánh quan trọng khác: so với cùng kỳ chỉ còn tăng khoảng 21,7%, từ mức 22,42% của tháng trước; nhưng so với cuối năm ngoái thì tăng trên 17%.


Như vậy, CPI theo năm đang tiếp tục thoát ly và “tránh” xa khỏi đỉnh 23,02% vào tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, khả năng lạm phát cả năm vượt 18% vẫn còn lớn.


Những điều chỉnh có mang hơi hướng “nới lỏng” của chính sách tiền tệ tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định đến lạm phát tháng này, cả trên góc độ trực tiếp và gián tiếp qua tâm lý thị trường.


Trạng thái bơm ròng qua thị trường mở OMO trong khoảng hai tháng gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tính theo chu kỳ điều tra CPI, cho thấy thanh khoản hệ thống tín dụng còn có khó khăn nhất định, đặc biệt là ở nhóm nhà băng nhỏ.


Theo tính toán của NDHMoney, trong chu kỳ tính CPI tháng trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng qua OMO trên 16.000 tỷ đồng, trong khi tháng này là trên 13.000 tỷ đồng.


Thêm vào một kênh tham khảo cho nhận định kể trên, lãi suất cho vay tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng gần đây đã tăng trở lại, có thời điểm đã tăng tới 21%/năm với kỳ hạn một tháng (trong ngày 13/10).


NDHMoney đặc biệt lưu ý 3 nhóm sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10, đó là thực phẩm, giáo dục và nhà ở, vật liệu xây dựng.


Việc giảm giá xăng dầu từ 300-500 đồng/lít tùy loại vào cuối tháng 8 được hỗ trợ thêm bởi xu hướng giảm giá gas và mặt bằng tương đối ổn định của xi măng, sắt thép gần đây khiến CPI nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng có tháng thứ hai liên tiếp giảm so với tháng trước đó.


Tuy nhiên, việc giá thực phẩm tiếp tục hạ thấp trong tháng này mới là diễn biến mang đến nhiều hơn ý nghĩa với mặt bằng giá chung.


Giá thịt lợn, thịt gà giảm rất mạnh trong tuần đầu tháng 10, dù sau đó có điều chỉnh lên do yếu tố bão, lũ lụt, nhưng vẫn đủ làm nên thay đổi lớn trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Nhiều khả năng, chỉ số giá nhóm này sẽ chỉ tăng rất thấp trong tháng 10, kéo theo xu hướng giảm tốc của CPI chung.


Trong khi đó, nhóm giáo dục tháng này sẽ đứng trước khả năng thay đổi rất lớn về biên độ tăng CPI so với tháng 9. Sau mùa khai giảng năm học mới qua đi, còn rất ít tỉnh, thành phố áp chính sách điều chỉnh học phí, và nhóm mặt hàng thiết bị, phương tiện, đồ dùng học tập cũng không còn tăng giá mạnh như vào đầu tháng trước.


Về cơ bản, CPI nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng, thực phẩm sẽ giảm trong tháng này; các nhóm giáo dục, và may mặc, mũ nón, giày dép tăng ở mức thấp hơn do không còn bị ảnh hưởng lớn bởi chu kỳ tăng giá thời điểm bước vào năm học mới. Tuy nhiên, lương thực còn là “ẩn số” bởi tình hình bão lũ phức tạp gần đây.


NDHMoney sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến CPI vào tuần tới, khi Hà Nội và Tp.HCM công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng này.

Theo Trần Lê Minh (NDHMoney)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.