30/12/2012 9:42 PM
Hàng loạt đơn vị bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, bị đình chỉ hoạt động, rút môi giới, đóng cửa chi nhánh, thua lỗ triền miên… 2012 là một năm thực sự khó khăn, thất bát và suy sụp đối với các công ty chứng khoán (CTCK).

Sai phạm, nợ nần và thua lỗ

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong quý III/2012, có khoảng 60% CTCK báo cáo thua lỗ. Tuy nhiên, con số này có lẽ vẫn chưa phản ánh hết sự khó khăn của khối các doanh nghiệp này.

Báo cáo hợp nhất quý III/2012 của CTCK Sacombank (SBS) cho thấy doanh nghiệp này lãi hơn 10 tỷ đồng, không nằm trong nhóm 60% thua lỗ nói trên. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình SBS lại vô cùng bi đát với những con số thua lỗ khủng khiếp, bê bối tài chính như tơ vò.

Cho dù được hỗ trợ bởi ngân hàng mẹ Sacombank đến những phút cuối cùng với cú cứu mua trái phiếu 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong quá trình thoái vốn mạnh khỏi SBS nhưng CTCK này vẫn chưa thoát ra được vòng xoáy khó khăn.

Tính tới cuối tháng 9/2012, SBS vẫn âm vốn chủ sở hữu 245 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 1.761 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 128 tỷ đồng và đang trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt (kéo dài đến 28/2/2013). SBS còn rối ren hơn sau khi bị khởi tố vụ án hình sự “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán và thao túng giá chứng khoán”. .

Trái với hướng phát triển nhanh, tăng vốn vọt từ 300 tỷ lên 1.100 tỷ trong vòng chưa tới một năm và mở rộng hoạt động sang cả Lào, Cambodia, từ cuối 2011, SBS cũng bắt đầu phải đóng cửa hàng loạt các chi nhánh tại những địa bàn trọng yếu như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.


Vị thế tốp 5 CTCK về mảng môi giới trước đó có lẽ giờ chỉ còn là ký ức, sự bền vững không có khiến cho SBS đi xuống một cách quá nhanh chóng, xuống tận bùn đen và có nguy cơ bị đào thải ra khỏi cuộc chơi.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SME cũng là một thành viên xếp ở tốp hạng trung trên TTCK và là trường hợp nổi tiếng không kém với hàng loạt những cú sốc gây ra trên thị trường. Cú sốc gần đây nhất có lẽ là vụ hai lãnh đạo chủ chốt của SME, bao gồm Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc và phó chủ tịch SME bị bắt tạm giam hồi đầu tháng 8 về việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hiện tại vụ việc SME đang được làm rõ nhưng nhiều người lo ngại rằng có thể còn nhiều khuất tất sẽ được mang ra ánh sáng bởi sự minh bạch thông tin tại doanh nghiệp này là rất thấp. SME luôn trong tình trạng không công bố báo cáo tài chính đầy đủ. CTCK này vẫn còn những khoản nợ rất lớn tới hàng trăm tỷ đồng trong khi hoạt động đã đình trệ trong một thời gian dài và trước đó không hiếm khi rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Ngoài margin, năm 2012 cũng chứng kiến CTCK đầu tiên bị xử phạt về hành vi cho vay bán khống - một hiện tượng được đồn thổi trong nhiều năm qua nhưng không có trường hợp nào bị xử phạt.

Cụ thể, ngày 11/9, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng đối với CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE) do công ty này cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Dù đã tất toán các hợp đồng cho vay chứng khoán nhưng hành vi nói trên vi phạm phạm quy định tại Khoản 9 Điều 71 Luật Chứng khoán và hoạt động bán khống này được cho là một trong những nguyên nhân khiến TTCK sụt giảm nghiêm trọng, nổi bật nhất là 3 ngày bán tháo khủng khiếp bắt đầu từ 21/8 khi ông trùm ngành ngân hàng Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên bị bắt giữ.

Sau Đại Nam, sai phạm về bán khống cũng đã được xử lý tại HSC nhưng trách nhiệm được gắn với nhân viên của CTCK này.

Không chỉ lỗ triền miên gây thiệt hại cho các cổ đông, nhiều CTCK còn gây ra nhiều cú sốc với các nhà đầu tư như một loạt doanh nghiệp bi đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (GBS, Tràng An, SBS, Công nghiệp, Cao Su, Mê Kông, Trường Sơn, Hà Nội, SME); vốn ít nhưng repo cực lớn (như STSC…); chấm dứt tư cách thành viên (Đông Dương, Hà Nội, Sao Việt, An Phát…); rút dịch vụ chủ chốt môi giới (Sao Việt, Đông Dương, Hà Nội, Trường Sơn, Gia Anh - Hamico…).

Và những vụ chia tay

Cho tới thời điểm này chưa có CTCK nào chính thức rời TTCK nhưng trên thực tế có không ít đơn vị đã không còn duy trì hoạt động, trụ sở không còn, rút các nghiệp vụ chính, chấm dứt tư cách thành viên, thậm chí bị đình chỉ hoạt động, chỉ còn chờ thời gian để chấm dứt cuộc sống thực vật.

Ngày 29/10 vừa qua, UBCKNN đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động Công ty Cổ phần Chứng khoán Cao su (đã đổi tên thành Chứng khoán Delta). Theo đó, Delta bị đình chỉ từ ngày 29/10/2012 đến ngày 29/4/2013. Nguyên nhân là do công ty không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.

Theo số liệu tính đến hết quý III/2012, CTCK Cao su âm vốn chủ sở hữu hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là CTCK đầu tiên trên TTCK công bố tỷ lệ an toàn vốn khả dụng âm (-18%). Trong đó, vốn khả dụng là âm 8,54 tỷ đồng và tổng giá trị rủi ro là 48,8 tỷ đồng.

Trước Cao su, TTCK cũng đã chứng kiến hai trường hợp bị đình chỉ khác là Trường Sơn và Hà Nội. Cả hai doanh nghiệp này đều trong tình trạng sống dở chết dở, đã chấm dứt tư cách thành viên tại các sàn giao dịch và rút nghiệp vụ chính môi giới.

Cũng đứng trước bờ vực, một loạt các CTCK đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và có khả năng bị đào thải do hoạt động bê bết trong bối cảnh TTCK lao dốc như: GBS, Tràng An, SBS, Công nghiệp, Mê Kông, SME…

Làn sóng thanh lọc CTCK có thể sẽ mạnh và nhanh hơn bao giờ hết bắt đầu tư tháng cuối cùng của năm 2012. Những động thái gần đây của các cơ quan quản lý thị trường nhằm cải thiện vai trò bảo vệ nhà đầu tư, ổn định lại thị trường, rất có thể nhiều CTCK sẽ thực sự phải rời bỏ thị trường.

Với hàng loạt CTCK đang lỗ 4-5 năm liên tiếp, lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ, thậm chí có nguy cơ mất vốn hoặc đang ôm những khoản phải thu lên tới vài nghìn tỷ đồng trong khi chưa có trích lập dự phòng, thì sẽ sự đào thải thành viên TTCK sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Cho dù các cơ quan chức năng cho biết, không xác định số lượng CTCK phải rời bỏ thị trường trong quá trình tái cấu trúc nhưng trước đó một số đại diện cho biết, có thể có tới 70% số CTCK hiện tại sẽ không còn tồn tại trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, quá trình thanh lọc này sẽ gặp nhiều khúc mắc và cần nhiều thời gian do những khối nợ xấu, nợ đọng, phải thu lớn đang tồn tại ở đa số các CTCK lay lắt chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Theo Mạnh Hà (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.