30/05/2016 9:06 AM
Trước tình trạng công trình cao tầng đua nhau “chọc thủng” quy hoạch - kiến trúc phố cổ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo “cắt ngọn” hàng loạt công trình vùng lõi. Tuy nhiên, sau gần ba tháng ban hành, những quyết định cưỡng chế vẫn vướng ở khâu thực hiện.

Chây ì

Khảo sát thực trạng các công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nổi cộm mà ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã nêu tên trong quyết định cưỡng chế, dễ dàng nhận thấy, đơn vị thực hiện là UBND các phường có công trình vi phạm Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ - phố cũ vẫn thực hiện chỉ đạo với tốc độ “cầm chừng”. Như công trình 54, 84 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo) chiều cao dường như không thay đổi. Cụm ba công trình 43, 45, 47 Hàng Đồng (phường Hàng Bồ) cũng chưa thực hiện nghiêm túc việc phá dỡ, mặc dù phương án phá dỡ của UBND phường đã được UBND quận thông qua.

Cụm công trình khách sạn cao tầng số 128 - 130 Hàng Bông đã bị Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định buộc phá dỡ toàn bộ khối nhà xây dựng không phép trong nhà 128, yêu cầu phá dỡ toàn bộ diện tích xây dựng ngoài giấy phép tại số 128 - 130 Hàng Bông. Sau nhiều lần đốc thúc, UBND phường Hàng Bông mới hoàn thiện phương án phá dỡ theo yêu cầu của phòng Quản lý Đô thị (QLĐT). Tuy nhiên, sau khi phương án phá dỡ được phê duyệt, UBND phường Hàng Bông vẫn tổ chức thực hiện với tốc độ “rùa bò”. Cá biệt, có công trình vi phạm TTXD nổi tiếng ở ngõ 8 Lý Nam Đế thuộc phường Hàng Mã được cơ quan chức năng buộc phải ra quyết định phá dỡ 3 tầng, nhưng sau nhiều tháng mới tổ chức phá dỡ được diện tích tum và tầng áp tum khiến dư luận đặt dấu hỏi về thái độ kiên quyết của chính quyền sở tại.

Cụm nhà ở phố Hàng Bông, Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi tình trạng vi phạm TTXD được báo Tiền Phong phản ánh, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các công trình vi phạm mới ở địa chỉ 61 - 63 Hai Bà Trưng, số 6 Hàng Hành, công trình ở ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo. Đối với các công trình vi phạm Chủ tịch UBND đã quận ban hành quyết định cưỡng chế, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường có công trình vi phạm kiên quyết cắt điện, nước và tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, công trình vi phạm đa số thuộc diện xây quá tầng, nên phương án phá dỡ cần được thẩm định kỹ lưỡng, thậm chí phải bổ sung nhiều lần để đảm bảo an toàn cho các hộ liền kề nên việc phá dỡ chưa đúng tiến độ.

Đối với các công trình vi phạm TTXD nằm trong vùng lõi chưa được xử lý dứt điểm, ngày 25/5, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục ra văn bản thông báo, yêu cầu UBND các phường: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bồ, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Buồm, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo giám sát và tổ chức thực việc việc xử lý cưỡng chế gần 20 công trình vi phạm Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ.

Giám sát lại “thả nổi”

Để bảo toàn quy hoạch - kiến trúc phố cổ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quy định chặt chẽ đối với việc cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) cho các công trình nằm ở khu vực phố cổ - phố cũ. Trong đó, có cả sự tham gia và thẩm định của nhiều cơ quan chức năng thuộc ngành văn hóa.

Cụ thể, để xin được giấy phép xây dựng (GPXD) ở khu vực phố cổ - phố cũ, chủ đầu tư phải nộp đơn và hồ sơ ở khu vực “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Sau đó hồ sơ được chuyển đến phòng QLĐT thẩm định công trình. Phòng QLĐT sẽ tiến hành cấp GPXD theo quy định, nếu công trình đủ điều kiện theo Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ; hồ sơ vượt qua được hàng loạt các cơ quan chuyên môn thẩm định.

UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã quy định chặt chẽ, rõ ràng đối với việc cấp GPXD ở khu vực phố cổ - phố cũ, nhằm bảo tồn không gian và kiến trúc. Tuy nhiên, đến khâu quan trọng nhất là giám sát chủ đầu tư thực hiện GPXD thì nhiều UBND phường nằm ở vũng lõi phố cổ - phố cũ lại giám sát kiểu “thả nổi”, nên mới dẫn đến hàng loạt công trình xây vượt Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ 1 đến 2 tầng, còn nhiều thì gần gấp đôi GPXD được cấp.

Giải thích về tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhận định, có việc UBND các phường và lực lượng TTXD đã buông lỏng nhiệm vụ giám sát, quản lý, thậm chí bao che cho chủ đầu tư nên dẫn đến việc không phát hiện và xử lý kịp thời. “Lực lượng TTXD là người giỏi nghề nhất, có lực lượng đông nhất, hiểu biết về địa bàn nhất nên không có lý do gì để biện minh cho việc không phát hiện kịp thời các công trình vi phạm. Là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát và quản lý, lãnh đạo UBND các phường cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đã để xảy ra vi phạm...”, ông Long nói.

Ngọc Cương (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.