Về tổng thể, Thủ tướng cho rằng, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất, cụ thể là 40-45% cho ngành dệt may và da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.
Thủ tướng lấy ví dụ, nếu như Samsung có tỷ lệ sản xuất trong nước, bao gồm cả FDI và doanh nghiệp Việt Nam, trước đây bằng 0 thì nay đã trên 30%. “Đây được xem là một thành công. Người ta cứ nói Samsung là 100% nước ngoài, đó là nhầm lẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Song Thủ tướng cũng cho rằng, CNHT cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chúng ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, nên CNHT kém phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp.
Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, trong khi vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín.
Một hạn chế lớn được chỉ ra là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn là điều quyết định. Nguyên nhân là do nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thủ tướng cho rằng, sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế, một số doanh nghiệp FDI chưa chú trọng phát triển các nhà cung cấp nội địa.
Để phát triển CNHT tại Việt Nam, theo Thủ tướng, trước tiên phải nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế. “Chúng ta không thể làm hết tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan. Nhưng nếu ô tô làm được 40-45% chi tiết phụ tùng thành công thì đã thành công căn bản CNHT”.
Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong việc hỗ trợ, dẫn dắt doanh nhiệp hỗ trợ của Việt Nam, “các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển”.
Thủ tướng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm.
Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp CNHT.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển doanh nghiệp hỗ trợ phải lấy thị trường khu vực và thế giới làm mục tiêu phát triển để cạnh tranh. Ông cũng giao các bộ liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển CNHT Việt Nam, nhất là chính sách thuế, đất đai, tín dụng…
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp về các vướng mắc trong thực hiện các quy định về thuế, phí, thủ tục hoàn thuế, khấu trừ thuế, hải quan; Đồng thời nghiên cứu sửa đổi Nghị định 125 năm 2017, xem xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích CNHT phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Vào thời điểm đó cũng sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. |
-
GDP Việt Nam năm 2018 tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây
CafeLand - Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), kinh tế Việt Nam năm 2018 ước tính tăng trưởng 6,9% - 7,0%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ.