Trước đó, vào tháng 2, khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Ngay sau báo cáo của Moody's, NHNN đã có ý kiến cho rằng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng. Còn nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ cũng chỉ khoảng 9%.
Vì sao lại có những số liệu khác nhau vì nợ xấu như vậy? Có ý kiến cho rằng do các tổ chức tín dụng vẫn đang che dấu nợ xấu, vì vậy khó có được con số chính xác.
Nợ xấu: Vẫn lùng bùng các con số
Nếu nợ xấu ở mức 3,6-3,9%, tính trên tổng dư nợ tín dụng hiện nay, khoảng 3,4 triệu tỷ đồng, thì nợ xấu chiếm từ 122.000-132.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trước đây đã có khoảng 270.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ (theo Quyết định 780). Nếu không cơ cấu theo quyết định này thì đây là nợ xấu. Với con số này thì nợ xấu đã vào khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ tín dụng.
Vẫn lùng bùng các con số nợ xấu
Đó là chưa kể Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tính đến ngày 1/4 vừa qua đã mua tổng cộng khoảng 42.829 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, và từ 2013 đến nay các ngân hàng cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu với số tiền lên đến trên 100.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, tuy nợ xấu ngày càng có xu hướng giảm, nhưng trong báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng, khoản lãi và phí phải thu lại tăng cao. Từ đó có thể suy luận ra nợ xấu đã được cơ cấu lại thành nợ trong hạn. Tuy vậy, bản chất vốn là nợ xấu, dù đã được xử lý thành nợ trong hạn thì lãi vẫn không có để thu, vì vậy phải chuyển vào khoản lãi phải thu.
Bên cạnh đó là các khoản bảo lãnh, được ngân hàng bảo lãnh cho khách hàng nhưng khách hàng không trả được và ngân hàng phải trả thay. Theo quy định phải chuyển thành khoản vay bắt buộc và ghi vào nợ quá hạn, nhưng nhiều ngân hàng lại xử lý thành nợ mới cho vay, vì vậy các khoản phí bảo lãnh phải thu không thu được nên chuyển vào phí phải thu.
Bản thân các ngân hàng còn có những "xử lý" khác, chẳng hạn đưa nhiều khoản nợ xấu tại các chi nhánh của mình giao cho một công ty trực thuộc xử lý. Ngân hàng sẽ cho công ty này vay tiền rồi trả cho các chi nhánh có nợ xấu và lãi không thu được phải chuyển vào các khoản phải thu. Vì vậy nợ xấu chính thức là bao nhiêu, thực sự rất khó có con số chính xác.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, mỗi ngân hàng có 4 cấp có thể che giấu, làm sai lệch con số nợ xấu. Cấp thứ nhất là cán bộ tín dụng, do thấy khách hàng không trả được, sợ ảnh hưởng đến bản thân đã câu kết với khách hàng tìm nguồn vốn khác đập vào, cho vay khoản mới đảo nợ. Tiếp tới là các phòng giao dịch và chi nhánh cũng lo sợ nợ xấu ảnh hưởng tới mình, tìm cách xử lý theo hướng có lợi. Cao hơn, hội sở chính cũng thấy nợ xấu có thể gây tác động xấu nên tìm cách xử lý tương tự và cuối cùng là cấp phát ngôn có thể điều chỉnh để có con số "đẹp".
Còn theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội các DN nhỏ và vừa Việt Nam, bản thân các ngân hàng lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. Ngân hàng nhỏ giấu vì sợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. Ngân hàng lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng.
Nợ xấu tiếp tục được các ngân hàng che giấu?
TS Lê Đăng Doanh cho rằng con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam bằng hoặc thậm chí là cao hơn con số của Moody's đưa ra.
Cùng nhau che giấu?
Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu tiếp tục được che giấu sau khi NHNN ban hành Thông tư 09 thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN, với sửa đổi quan trọng nhất cho phép các tổ chức tín dụng chưa phải điều chỉnh nhóm nợ có rủi ro cao nhất.
Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế, được kỳ vọng là một bước tiến về quản trị ngân hàng Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ 1/6/2013, nhưng nó đã bị lùi thời hạn sang1/6/2014.
Tại diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối năm 2013, các nhà đầu tư cho biết họ thất vọng về quyết định lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02. Báo cáo của Nhóm công tác ngân hàng thuộc VBF cho biết, một số ngân hàng từ lâu đã không báo cáo về nợ xấu, Thông tư 02 giúp giải quyết vấn đề này nhưng nó lại bị trì hoãn.
Tuy nhiên, sắp đến thời điểm 1/6/2014, Thông tư này lại bị trì hoãn thêm. Ngân hàng yếu kém đang gây ra nhiều nhiễu loạn, phân loại nợ bị đẩy lùi như vậy không thể giải quyết được nợ xấu và sẽ không có tín dụng cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không biết nợ xấu là bao nhiêu, thì các kế hoạch giải quyết đề ra sẽ thiếu tin cậy.
Báo cáo phải minh bạch thì mới có được kế hoạch xử lý tin cậy. Đây là lúc cần đưa ra các quyết định mạnh mẽ về cải cách ngân hàng thì lại lùi bước. Việc che giấu con số nợ xấu thực sẽ rất nguy hại, nó làm cho các ngân hàng bị suy yếu, lãi suất cho vay không thể giảm, mặc cho lãi suất huy động ngày càng giảm và DN khó tiếp cận được vốn vay rẻ.