Từ bao đời nay, những người nông dân không đất là nguyên nhân của hầu hết những bất ổn ở châu Á. Bắt đầu từ triều đại nhà Tần (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên), cho đến phong trào khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc giữa thế kỷ 19, đến thành công của các cuộc cách mạng tại Trung Quốc và Việt Nam, và cuộc khởi nghĩa suýt thành công ở Malaysia những năm giữa thế kỷ 20.

Ngày nay, khi Đông Á ngày một phát triển thịnh vượng, tình trạng công dân không có đất lại tiếp tục tăng lên. Sự tăng trưởng nhanh chóng của những thành phố năng động, đẩy giá nhà cửa tăng chóng mặt và cùng với đó đẩy hàng triệu người vào cảnh không tấc đất trong tay.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số rất nhanh ở nhiều thành phố châu Á khiến thị trường bất động sản ở đây hầu như lúc nào cũng "sốt". Tính trên toàn Trung Quốc, giá mỗi mét vuông nhà tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập kỷ qua, theo số liệu của Cục thống kê Quốc gia. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn Demographia, giá nhà so với thu nhập ở Singapore và Hồng Kông hiện nay ở mức cao nhất trên thế giới, và cao hơn ít nhất 50% so với New York, San Francisco, Toronto, Sydney hay Luân Đôn.

Có một số lý do tích cực khiến giá bất động sản tăng cao. Phần lớn các thành phố châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh hơn các thành phố châu Âu. Trong vòng 10 năm qua, dân số Thượng hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã tăng 35%, tức là gần 6 triệu người. Dân số Bắc Kinh cũng tăng thêm 6 triệu người lên 20 triệu người. Và hòn đảo giàu có Singapore cũng tăng dân số tới 20%, tốc độ cao hơn nhiều các thành phố phát triển khác.

Tình trạng tăng giá, đặc biệt ở các thành phố lớn, cũng là do việc thả lỏng tín dụng, lãi suất thấp và lạm phát cao. Những nhân tố này cùng với cái gọi là "tâm lý bầy đàn" đã khiến mọi người đổ xô mua nhà đất để chống đỡ với lạm phát. Tâm lý truyền thống của người Trung Quốc về sở hữu nhà cửa càng là cơn sốt tăng thêm. Theo blogger Lisa Gu, một nhà phê bình xã hội có tiếng, "sở hữu bất động sản là một trong những mục tiêu lớn trong đời của hầu hết người Trung Quốc".

Ở Trung Quốc đại lục, các phương tiện đầu tư hiện đại khác như cổ phiếu và trái phiếu lại không phổ biến do thiếu kiến thức, thị trường chưa chuyên nghiệp, độ tin cậy chưa cao. Do đó, các kênh đầu tư khác ngoài bất động sản rất khó thu hút người dân.

Dù với bất kể lý do gì, phong trào đầu tư mất cân bằng ở châu Á đang ngày càng làm tăng sự bất bình đẳng ở các thành phố. Theo Lisa Gu, "giá nhà" đứng thứ 3 trong top 10 từ phổ biến nhất trong những người dùng Internet. Nhiều thanh niên Trung Quốc đã chấp nhận không mua được nhà trước khi cưới và bắt đầu cuộc sống lứa đôi trong căn nhà đi thuê.

Với những người trẻ tuổi, ở nhà thuê có thể không phải là mối lo hàng đầu nhưng nó sẽ ngày càng trở nên nặng nề hơn khi họ bắt đầu có tuổi, có con cái. Một số người đã phải rời khỏi những thành phố đắt đỏ, như Bắc Kinh hay Thượng Hải, để đến những thành phố nhỏ hơn như Chengdu, trung tâm của tỉnh Tứ Xuyên. Thành phố này là một trung tâm công nghệ đang phát triển nhưng giá nhà ở chỉ bằng một phần ba so với các thành phố lớn khác. Dù mức lương ở đây thấp hơn, nhưng nhìn chung khả năng mua nhà vẫn cao hơn nhiều.

Với hàng triệu người Trung Quốc thu nhập thấp, bao gồm cả những người từ nông thôn lên thành phố, nhà ở thực sự là vấn đề quan trọng hàng đầu. Phần lớn những người này đến các thành phố lớn để tìm cơ hội đổi đời, thoát khỏi cảnh lam lũ ở làng quê. Hầu như toàn bộ mức tăng dân số ròng của Bắc Kinh và Thượng Hải là từ những người nhập cư. Họ chiếm đến hơn một phần ba dân số của những thành phố lớn này.


Những người nhập cư có nhiều mức thu nhập khác nhau, nhưng chủ yếu là ở mức nghèo. Nhiều người sống rất thiếu thốn, khổ cực ở ngay những trung tâm hào nhoáng nhất của châu Á. Ước tính có khoảng 70 - 80 triệu người đang sống trong các khu ổ chuột trong các thành phố, đa số trong đó là những người nông dân không có đất.

Tình trạng này càng lan rộng khi các thành phố ngày một mở rộng với các khu công nghiệp vây quanh. Trong khi đó, nhiều người khác lại ngày một giàu lên nhờ đầu cơ hay đầu tư vào những dự án bất động sản. Điều này càng làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo vốn đã là một quan ngại lớn của các nền kinh tế mới nổi.

Tất nhiên, ở đây không có hàm ý về một nguy cơ kiểu như cuộc nổi dậy của nông dân. Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh rằng, sự phát triển nhanh chóng của châu Á, mặc dù còn nhiều lệch lạc, đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Tuy nhiên đi kèm theo đó là cuộc khủng hoảng đói nghèo kiểu mới có thể níu chân sự phát triển của các trung tâm lớn ở đông Á. Xét về lâu dài, giá nhà cao cũng làm hạn chế tỷ lệ sinh, ngay cả ở những nơi không áp dụng chính sách một con, như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan.

Những mối lo dài hạn này đã bị che khuất bởi những vấn đề trước mắt. Tình trạng giá bất động sản tăng liên tục đã khiến chính phủ Trung Quốc đầu năm nay đưa ra hàng loạt các quy định mới để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ, chẳng hạn như buộc phải thanh toán trước ít nhất 60% khi mua ngôi nhà thứ hai và hạn chế việc sở hữu nhiều nhà.

Chính quyền tỉnh Trùng Khánh còn có những biện pháp mạnh tay hơn. Họ đã thực hiện một chương trình quy mô lớn xây hàng loạt nhà cho thuê và căn hộ sở hữu nhà nước dành riêng cho những người thu nhập thấp, trong đó có cả người từ khu vực nông thôn. Điều này trái ngược với chương trình của Singapore, nơi 80% dân số sống trong nhà ở chung cư do nhà nước xây, nhưng 95% trong số đó đã được mua lại căn hộ.

Ngoài những liên hệ thuộc về hệ tư tưởng, cuộc khủng hoảng nhà ở có thể đe doạ cả sự ổn định xã hội lâu dài và tăng trưởng kinh tế ở Đông Á. Nếu không được quan tâm đúng mức, sự bất mãn ngày một tăng của những "công dân không đất" này có thể trở thành nguyên nhân gây bất ổn chính trị và ảnh hưởng có thể lan rộng khi Đông Á đang là một đầu tàu trong sự phát triển kinh tế thế giới.
Theo Hoàng Yến (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0