Cụ thể, theo Bộ Xây dựng thì Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Lạng Sơn có diện tích thấp nhất 7m2/người, TPHCM 12m2/người, Long An 15,6 m2/người. Công chức Đà Nẵng đang sở hữu diện tích nhà ở cao nhất với trung bình mức 20m2/người.
Về chất lượng nhà ở, Bộ Xây cho biết chỉ có khoảng 55% nhà kiên cố, 40% bán kiên cố, còn lại là nhà tạm. Đối với những cán bộ, công chức được phân phối nhà chung cư trước đây thì hầu hết chất lượng nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.
“Đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”, Bộ Xây dựng nhận định.
Lý giải về dẫn chứng này, Bộ Xây dựng cho rằng hầu hết những người này do thời gian công tác còn ít, khả năng thu nhập còn hạn hẹp, chưa đủ điều kiện tích lũy để mua hoặc thuê nhà ở theo giá thị trường và rất cần Nhà nước hỗ trợ để giúp họ cải thiện chỗ ở.
Để cải thiện, nâng cao mức sống của người dân Hà Nội nói chung, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Chương trình này, mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3 m2/người, trong đó khu vực đô thị 29,1 m2/người, khu vực nông thôn 22,1 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên 91,2%; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà ở đơn sơ.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ tới năm 2030, tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%. Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội đạt 30%. Vốn đầu tư từ ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư khoảng 6.968,2 tỷ đồng.