Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam
Cam kết lợi nhuận 8-12%
Tính đến hết quý 3/2016, tổng nguồn cung thị trường căn hộ khách sạn lên đến 5.751 căn, trong đó phân khúc căn hộ khách sạn cao cấp chiếm 67% tổng nguồn cung, phần còn lại là phân khúc căn hộ khách sạn trung cấp. Theo nhận định của Công ty CBRE Việt Nam, cùng với sự phát triển tích cực của du lịch Đà Nẵng, thị trường căn hộ khách sạn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới vì thị trường này vẫn còn sức hấp dẫn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng cần lưu ý khi người mua ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn, họ sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi mua.
Chương trình cam kết lợi nhuận tiếp tục được sử dụng như chiến lược bán hàng chính để thu hút khách mua. Mức cam kết dao động từ 8% đến 12% trên tổng giá trị căn hộ cho mỗi năm trong vòng ba đến mười năm. Xu hướng này không chỉ đang được áp dụng tại thị trường Đà Nẵng mà còn ở các thị trường bất động sản ven biển khác như Nha Trang và Phú Quốc. Chương trình cam kết này đảm bảo mức lợi nhuận cho khoản đầu tư mà hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng.
Về biệt thự nghỉ dưỡng bán, thị trường này không có nhiều biến động trong năm qua. So với căn hộ khách sạn, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng bán có ít sự lựa chọn cho khách hàng do nguồn cung hạn chế, ít có dự án mới được đưa ra thị trường.
Trong thời gian tới, thị trường nhà ở nghỉ dưỡng bán dự kiến sẽ chào đón hơn 1.000 căn hộ khách sạn, trong khi biệt thự nghỉ dưỡng được chào bán mới sẽ không đáng kể.
Khách sạn chờ APEC
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong chín tháng đầu năm 2016, thành phố chào đón khoảng 4.410.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 29%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế tăng 48% và lượng khách nội địa tăng 9%.
Theo nhận định của CBRE, Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến nổi tiếng của cả du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện APEC trong năm 2017 là cơ hội tốt để nâng cao hình ảnh và quảng bá thị trường du lịch của thành phố ra thế giới. Theo đó, không chỉ tổng lượt khách tăng trưởng mà quốc tịch du khách cũng sẽ đa đạng hơn.
Dự kiến thị trường khách sạn sẽ chào đón khoảng 6.000 phòng trong năm 2017 và 2018. Thị trường căn hộ khách sạn cũng sẽ cung cấp một lượng lớn phòng cho thuê làm khách sạn. Điều này sẽ là lợi thế cho du khách khi họ có nhiều sự lựa chọn lưu trú hơn. Ngược lại, đây sẽ là một thách thức lớn với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng để duy trì kết quả kinh doanh khi sự cạnh tranh trên thị trường không chỉ là giữa các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng mà còn với các dự án căn hộ khách sạn.
Các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế đang có xu hướng mở rộng thị phần ở thị trường du lịch Đà Nẵng. Wyndham Hotel Group lần đầu gia nhập thị trường với dự án khu phức hợp Soleil, dự kiến hoạt động trong năm 2018. Absolute Hotel Service (AHS) cũng lần đầu tham gia thị trường với dự án Eastin Grand Resort. Bên cạnh đó, những đơn vị quản lý tên tuổi khác như Accor Hotel Group, Marriot Hotels, Hyatt Hotel Group và InterContinental cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng thông qua việc tăng số lượng bất động sản quản lý.
Không nhiều lựa chọn về căn hộ
Nguồn cung căn hộ bán trên thị trường Đà Nẵng rất hạn chế nên người mua không có nhiều lựa chọn. Số lượng căn hộ bán hiện nay còn khoảng 200 căn. Trong khi đó, chủ đầu tư của các dự án tương lai vẫn chưa có động thái xây dựng. Thị trường này đang chịu sự cạnh tranh lớn đến từ các căn hộ khách sạn do trong thời gian gần đây các nhà đầu tư đến từ TP.HCM và Hà Nội đều chuyển hướng sang các dự án căn hộ khách sạn với các cam kết cho thuê lại hấp dẫn.
Theo thống kê của CBRE, trên 80% các căn hộ bán được trong năm qua thuộc phân khúc hạng trung và người mua các căn hộ của phân khúc này đa số là người dân Đà Nẵng hoặc khu vực lân cận với mục đích mua để ở là chính. Điều này cho thấy nhu cầu cho các căn hộ trung cấp đang chiếm ưu thế và đối tượng khách hàng quan tâm chủ yếu đến từ người mua với nhu cầu ở thực. Đây cũng là điểm các chủ đầu tư cần lưu ý cho kế hoạch phát triển các dự án căn hộ trong thời gian tới.
Trong tương lai, Đà Nẵng vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để xứng đáng với hình ảnh “Thành phố đáng sống của Việt Nam”. Gần đây, thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế quốc tế hầm chui qua cầu sông Hàn cũng như cảnh quan dọc bờ sông để chọn ra được phương án thiết kế tốt nhất để thi công. Với nhiều công trình đầu tư, Đà Nẵng đang cố gắng trở thành một trung tâm tài chính chuẩn quốc tế, trung tâm du lịch và công nghệ trong tương lai.
Vốn FDI vào Đà Nẵng sụt giảm Trong năm qua, vốn FDI vào Đà Nẵng sụt giảm mặc dù thành phố này có những tiềm năng to lớn để thu hút nhiều nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính giải thích cho việc giảm FDI là do thành phố đang đối mặt với những khó khăn về môi trường. Rút kinh nghiệm từ những tỉnh lân cận, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần phải xem xét nhiều hơn và phải từ chối những dự án đe dọa đến môi trường. Thứ hai, chính quyền thành phố đã chính thức thu hồi giấy phép đầu tư của những dự án du lịch ven biển được cấp phép từ năm 2006 nhưng tiến độ triển khai dự án chậm do khó khăn về tài chính. Cuối cùng, những thủ tục hành chính chậm chạp gây ảnh hưởng xấu đến quá trình đầu tư. Do đó, thành phố nên đề suất những chính sách thân thiện cho doanh nghiệp, cải thiện những thủ tục hành chính, đổi mới những chương trình xúc tiến đầu tư để thúc đẩy môi trường đầu tư ở Đà Nẵng. Đáng chú ý, Đà Nẵng là nơi thu hút những doanh nghiệp Nhật Bản ở những lĩnh vực như giáo dục, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, du lịch, công nghệ cao,… Gần đây, Nhật Bản dẫn đầu danh sách nhà đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng. Điển hình, các đối tác Nhật Bản đã khảo sát đầu tư dự án tàu điện một ray tuyến Đà Nẵng – Hội An nhằm giảm tải ách tắc giao thông ở những khu vực thành phố cũng như góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. |