Theo ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mục tiêu đặt ra cao nhất của Dự thảo là giảm tối đa sự lãng phí, đặc biệt là lãng phí trong trong đầu tư công.
Ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Theo ông, nếu loại bỏ nguyên nhân quản lý vốn đầu tư còn lỏng lẻo, trình độ cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, quy hoạch không phù hợp…, thì còn nguyên nhân nào dẫn tới sự lãng phí trong đầu tư công?
Hiện lãnh đạo một số địa phương vẫn còn tâm lý, tiền đầu tư từ Ngân sách Trung ương cho địa phương, nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) như là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với địa phương.
Chúng tôi đi công tác, làm việc với lãnh đạo địa phương, nhiều vị phát biểu rất chân tình: “May quá, chúng tôi được Trung ương cấp cho nguồn vốn TPCP để đầu tư vào các công trình, dự án trên địa bàn. Đây là cơ hội, là thời cơ để chúng tôi phát triển kinh tế - xã hội”.
Vì nghĩ nguồn vốn nhà nước đầu tư là nguồn vốn cấp, nên các địa phương xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… vượt quá công suất, dẫn tới lãng phí.
Ngoài ra, địa phương nào cũng xây mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng dẫn đến thiếu vốn, công trình thi công kéo dài, thậm chí có rất nhiều công trình phải tạm dừng thi công, gây lãng phí rất lớn.
Nhưng đúng là công trình, dự án nào địa phương đề nghị xây mới, nâng cấp, mở rộng cũng cần thiết, cấp bách, thưa ông?
Đứng trên góc độ địa phương, thì đúng là công trình, dự án nào trình lên Trung ương cũng đều cần thiết và cấp bách, nhưng đứng trên góc độ quốc gia, thì lại khác.
Tôi lấy ví dụ, lãnh đạo tỉnh nào đó thấy việc đầu tư kè bờ sông tại địa phương mình là hết sức cần thiết, thậm chí cấp bách, nhằm bảo đảm cuộc sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương. Nhưng đứng trên phương diện quốc gia, việc kè bờ sông ở tỉnh nọ chắc chắn chưa cần thiết, không cấp bách bằng việc kè bờ sông ở biên giới hay làm đường tuần tra biên giới.
Tương tự, địa phương nào cũng thấy việc nâng cấp bệnh viện tuyến huyện là hết sức cần thiết, vì rất nhiều bệnh viện tuyến huyện đã xuống cấp, không bảo đảm việc khám chữa bệnh cho người dân. Nhưng đứng trên phương diện quốc gia, trong khi nguồn vốn đầu tư có hạn, thì phải ưu tiên đầu tư bệnh viện tuyến huyện cho vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn, hơn là đầu tư hệ thống bệnh viện tuyến huyện ở đồng bằng.
Vấn đề đặt ra là, phải có một nhạc trưởng, làm tổng chỉ huy tất cả các khoản đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn TPCP và phải có một hệ thống tiêu chí để xác định mức độ cần thiết, cấp bách trên phạm vi toàn quốc. Việc phân bổ vốn đầu tư dựa trên mức độ cần thiết, cấp bách từ cao xuống thấp trên phạm vi toàn quốc. Có như vậy, mới nâng được hiệu quả đầu tư, mới chống được lãng phí.
Nói như vậy, có nghĩa là Việt Nam đang thiếu một nhạc trưởng trong đầu tư công?
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý đầu tư các công trình, dự án bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách.
Nhưng với cơ chế hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khó nắm hết được tất cả công trình, dự án đầu tư của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nếu ví Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhạc trưởng trong đầu tư công, thì lãnh đạo các bộ, ngành được ví như nhạc công. Muốn có một dàn nhạc hợp xướng, thì mỗi nhạc công phải chịu trách nhiệm cao nhất về phần việc của mình.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giao thông, y tế, xây dựng…, lãnh đạo các bộ này phải nắm được toàn bộ công trình, dự án đầu tư công trên phạm vi toàn quốc trong lĩnh vực của mình và dựa vào hệ thống tiêu chí để xác định mức độ cần thiết, cấp bách để xếp thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, dự án, sau đó tổng hợp và báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát lại tổng thể tất cả các lĩnh vực, chọn ra những dự án, công trình thực sự cấp bách, thực sự cần thiết để tập trung đầu tư, chống dàn tràn, dẫn tới lãng phí.
Ngoài cần một “nhạc trưởng” thực thụ, để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, còn phải có một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, thưa ông?
Trước hết, phải nói rằng, Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và TPCP là bước tiến quan trọng trong hệ thống văn bản pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công. Chỉ thị này đã công khai, minh bạch nguồn vốn đầu tư trung hạn; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ra quyết định đầu tư.
Từ đó, từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát lại các công trình, dự án do mình quản lý và quyết định ưu tiên cho công trình, dự án nào trong tổng số vốn đầu tư đã được xác định từ trước.
Tuy nhiên, để thực sự tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công cần phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hàng loạt luật khác có liên quan như Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng, Luật Đất đai; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh...