Vốn như mạch máu trong cơ thể mỗi con người, nếu thiếu máu mọi cái gần như tê liệt đến khi hết máu thì chết, thị trường bất động sản cũng như vậy.

Căn bệnh “đói vốn” như cơn đại hồng thủy đang tràn qua thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội . Chỉ chưa đầy một tháng, nhiều dự án thuộc loại siêu “hot” trên địa bàn đã giảm giá chóng mặt, cá biệt có nơi giảm từ 7 – 10 triệu đồng, giao dịch gần như giậm chân tại chỗ. Chính điều này buộc các chủ đầu tư phải tung chiêu khuyến mãi, chấp nhận giảm giá bán từ 10 - 15% để “hút” khách hàng.

Giảm giá “dụ” khách hàng

Nếu như thời gian trước đây, BĐS phía bắc Hà Nội sốt từng ngày, nhiều căn hộ, chung cư chưa kịp “ra lò” đã bị giới đầu tư “săn” sạch. Nhiều người muốn sở hữu trong tay các căn hộ chỉ còn cách chấp nhận mạo hiểm mua nhà trên giấy. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận từ các sàn giao dịch BĐS, khu vực này đang có dấu hiệu trầm lắng so với trước đây. Các sản phẩm từ phân khúc thấp cấp đến cao cấp kể cả đất nền đều không có người mua cho dù giá đã hạ nhiệt nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế nhận định, BĐS Hà Nội đang gặp “khó” khi nguồn tín dụng đổ vào BĐS bị siết chặt, đồng thời lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang bị đẩy lên mức “cắt cổ”, dao động từ 26 - 27%/năm.

Anh Phạm Văn Khoa, một nhà đầu tư BĐS than thở: “Không hiểu sao thị trường BĐS Hà Nội với hàng loại dự án bỗng dưng giảm giá bán, cộng với tỷ lệ chiết khấu cao mà vẫn không có người mua. Thời gian này giao dịch BĐS trên thị trường dường như đóng băng”.

Qua khảo sát, không chỉ giá bán đất nền ở khu vực phía bắc và phía tây Hà Nội rớt giá, về đúng giá trị thực của nó, mà các dự án thuộc các phân khúc từ cao cấp đến thấp cấp cùng “hò nhau” giảm giá từ 8 - 12 triệu đồng/m2, song việc xả hàng gặp nhiều khó khăn. Theo một “cò” BĐS ở Yên Nghĩa (Hà Đông), việc giá đất ngoại thành bị đẩy cao trong thời điểm kinh tế khó khăn thì việc giảm giá như vậy vẫn chưa thể hút được khách. “Cò” này còn nhận định, với tình hình như hiện nay, nếu không giảm giá hợp lý, nhiều dự án tại các khu vực ven đô sẽ “ế”.

Điển hình, tổ hợp chung cư Usilk City nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, với 2.500 căn hộ được chào bán với giá gốc hơn 26 triệu đồng/m2 mà vẫn khó bán. Dự án Rừng Cọ - Ecopark, từ ngày 20/5, bắt đầu bán hàng kèm theo nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá bán 10% và chiết khấu tới 12%, mức giá chỉ còn từ 18 - 20 triệu đồng/m2.

Chưa hết, để thoát hàng nhanh nhất, nhiều dự án căn hộ cao cấp khác tại Hà Nội còn tung chiêu khuyến mãi, giảm giá và chiết khấu hấp dẫn từ 5 - 10% tới khách hàng khi mua căn hộ. Ví dụ: Dự án Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy), dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm), dự án Times City (Minh Khai, Hai Bà Trưng), dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông)…, nhưng không có người mua.

Theo CBRE VN, tổng số căn hộ thuộc nguồn cung mới trong năm 2011 tăng gấp 4 lần so với năm 2010, tạo cơ hội mới cho khách hàng và nhà đầu tư. Tính đến quý I/2011, nguồn cung khoảng 45.000 căn hộ và ước tính hơn 11.000 căn hộ sẽ được chào bán trong năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc căn hộ tăng mạnh trong quý I/2011 cũng là nguyên nhân đẩy thị trường căn hộ rơi vào tình cảnh này.

Cơn lốc tín dụng tiếp tục tàn phá

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, việc thắt chặt tín dụng cộng với lạm phát tăng cao dẫn tới thị trường khan hiếm tiền mặt và đẩy thị trường BĐS vào tình trạng trầm lắng. Biểu hiện rõ nét nhất với hàng loạt dự án căn hộ cao cấp lâm vào cảnh “đắp chiếu” chờ rót vốn hoặc ế hàng.

Ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hàng không Thăng Long nhận định: “Vốn như mạch máu trong cơ thể mỗi con người, nếu thiếu máu mọi cái gần như tê liệt đến khi hết máu thì chết, thị trường bất động sản cũng như vậy. Chủ đầu tư khi thiếu vốn sẽ phải hạ giá bán, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu vốn không mua được, “kéo” thị trường xuống và trầm lắng”.

Còn ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ: “Giá BĐS ở Hà Nội bị “hét” lên tận trên mây, cao gấp đôi so với Thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới không có người mua là điều bình thường. Hơn nữa, lãi suất cao, không có người vay tiền đầu tư BĐS, buộc chủ đầu tư phải bán tháo để thu hồi vốn”.

“Để khắc phục tình trạng thiếu vốn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng với ngành phi sản xuất, đồng thời đầu tư công vào BĐS sẽ có nguồn cung về tiền. Khi đó, các chủ đầu tư đã có vốn thì sẽ giảm được các dự án treo. Với tình trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải mò mẫm đi vay tiền của dân để xây dựng. Đến khi nguồn vốn tự do này hết, có lẽ sẽ có những doanh nghiệp phá sản vốn”, ông Hoàng Minh Lực, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Minh Hoàng cho biết.

Nhưng một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng lý giải, hiện tượng BĐS “hụt hơi” trong thời gian vừa qua là cho chỉ số CPI tăng cao liên tiếp trong những tháng vừa qua dẫn tới nguồn tiền mặt bị khan hiếm.

Nhận định về thị trường BĐS từ quý II đến hết quý III, các chuyên gia BĐS cho rằng, sẽ vẫn trầm lắng và ảm đạm. Chỉ khi có nguồn vốn thực đầu tư cho BĐS thì mới vực dậy được thị trường. Trong các phân khúc thì phân khúc nhà chung cư từ 1,5- 2,5 tỷ, có thể ở được ngay, vẫn hút khách và bán chạy nhất. Theo nhận định của ông Tống Văn Nga, thị trường sẽ trở về đúng giá trị thực vốn có của nó và xu hướng “thổi giá” sẽ không còn tồn tại.

Theo Lại Quỳnh (CafeF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0