Giá trị chênh lệch đó lên đến hàng ngàn tỷ đồng và 67 triệu đô la Mỹ.
Đường bắc Hà Đông là một trong ít dự án BT được hoàn thành. Ảnh: PV.
Hà Nội hiện có 100 dự án đầu tư theo hình
thức BT (xây dựng-chuyển giao) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi
trường đô thị, hạ tầng xã hội đã được chấp thuận chủ trương, đang triển
khai với tổng mức vốn đầu tư đề xuất lên đến 223 ngàn tỷ đồng (tương
đương 11 tỷ đô la Mỹ). Diện tích đất đối ứng mà các nhà đầu tư đề
xuất thành phố giao cho họ khai thác để hoàn vốn cho các dự án BT này
lên tới 15.000 ha. Mới có 4 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 8 dự án đã
ký hợp đồng, trong đó khởi công 6 dự án. Thực tế việc nở rộ các dự án BT của Hà Nội hiện như thế nào? Tiền Phong có loạt bài về chủ đề này. |
Nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT được giao đất để thực hiện dự án khác, và phải nộp ngân sách số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của dự án và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT.
Các dự án BT hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy đất xây đô thị và nhà ở vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao. Hầu hết các dự án BT được chấp thuận ở Hà Nội đều do nhà đầu tư đề xuất lên và được cơ quan chức năng chỉ định đầu tư chứ không công khai đấu thầu.
Nhà đầu tư làm đương nhiên vì lợi nhuận, còn cơ quan quản lý nhà nước thì phải hết sức chặt chẽ.
Có hai vấn đề nảy sinh được cảnh báo từ lâu: Thứ nhất,
chủ đầu tư sẽ đưa ra giá dự toán các công trình nhiều khi quá cao so
với thực tế đầu tư, sẽ phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí khi
được sự thỏa thuận, chấp nhận của các cơ quan liên quan.
Thứ hai là giá trị đất trả cho nhà đầu tư bao giờ cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường, chưa nói đến sự “ưu tiên”, “ ưu đãi” ngầm khác. Thực tế qua thanh tra một số dự án BT đã cho thấy điều đó.
Công trình 1.500 tỷ, tính sai để đội giá hơn 400 tỷ đồng
Tại dự án BT xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ qua
sông Nhuệ đến khu đô thị mới Xuân Phương của nhà đầu tư là Cty CP Tasco.
Dự án có tổng chiều dài 3,5 km (mặt cắt ngang 50m) và hai cầu (vượt
sông Nhuệ và vượt đường sắt), với tổng mức đầu tư 1.543 tỷ đồng.
Đổi lấy con đường này, Hà Nội giao quỹ đất trên 21 ha tại khu đô thị mới Xuân Phương cho chủ đầu tư khai thác để hoàn vốn.
Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện chủ đầu tư vi
phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi
phí, khối lượng của nhiều hạng mục... làm tăng tổng mức đầu tư thêm 39
tỷ đồng.
Đặc biệt, việc áp dụng đơn giá vật tư gối cầu và khe co
giãn cao gấp 15 đến 20 lần so với giá vật tư cùng loại phổ biến trên
thị trường, làm tăng tổng mức đầu tư thêm 64 tỷ đồng.
Cụ thể Tasco áp dụng đơn giá gối cầu cao su lõi thép
xuất xứ Trung Quốc 200x250x28mm là 6,6 triệu đồng/bộ (làm tròn) và khe
co giãn cao su S100 xuất xứ Trung Quốc với đơn giá 133 triệu đồng/m (làm
tròn).
Trong khi đó tại thời điểm này, các nhà cung cấp khác
chỉ chào giá vật liệu tương tự ở các dự án khác là 340.000 đ/gối và 5,9
triệu đồng/m.
Như vậy với gối cầu cao su nhà đầu tư khai tăng gấp 19 lần; và khe co giãn tăng gấp 22 lần so với giá thị trường.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này còn tính vào giá trị công
trình các khoản chi phí vô lý như: Chi phí trực tiếp xây dựng đường tăng
53 tỷ đồng; chi phí trực tiếp xây dựng cầu sông Nhuệ tăng 70 tỷ đồng;
chi phí trực tiếp xây dựng cầu vượt đường sắt tăng 159,6 tỷ đồng.
Từ những sai phạm trong tính toán khối lượng chi tiết
các hạng mục trên, tổng cộng mức đầu tư của dự án đã bị đội lên 437 tỷ
đồng. Tức là trong tổng số 1.543 tỷ đồng mức đầu tư được phê duyệt thì
có đến 437 tỷ đồng do nhà đầu tư tính sai, đội giá lên.
Không hiểu sao, việc tính toán sai này lại lọt qua được rất nhiều cánh cửa thẩm định của các cơ quan chức năng Hà Nội.
Đến tính khống 67 triệu đô la
Trong dự án BT nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với nhà
đầu tư là tập đoàn Gamuda (Malaysia) cũng xảy ra tình trạng nhập nhèm để
đội giá công trình lên đến 20% tổng mức đầu tư dự án. Dự án có tổng mức
đầu tư 322 triệu đô la Mỹ.
Nhà đầu tư được thành phố hoàn trả tiền đầu tư bằng
việc cho phép khai thác hai khu đô thị với diện tích khoảng 150ha tại
quận Hoàng Mai. Dự án đã được triển khai rầm rộ ngay từ khi hai bên chưa
ký hợp đồng và nay sắp bàn giao đi vào sử dụng.
Tuy nhiên nhà đầu tư này đã tính đơn giá tổng hợp
nhiều hạng mục của dự án trùng lặp ví như việc tính nhầm các hạng mục
cọc bê tông cốt thép đã làm đội giá đầu tư lên 2,8 triệu USD (gần 60 tỷ
đồng).
Thêm nữa toàn bộ các hạng mục phần xây lắp đều được tính thêm 5% công việc khác mà thực tế chi phí này đã có trong mục dự phòng của tổng mức đầu tư cũng làm đội giá công trình lên 4,4 triệu USD (gần 90 tỷ đồng).
Đặc biệt, nhà đầu tư tính chưa chính xác giá trị trượt
giá. Chỉ với thao tác tính lặp yếu tố trượt giá đã làm giá trị công
trình tăng thêm 31,7 triệu USD (630 tỷ đồng)...
Chủ đầu tư còn tự lấy hạng mục “nạo vét lòng hồ” từ dự
án công viên Yên Sở (là dự án FDI), đem sang tính vào chi phí của dự án
BT nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, đẩy chi phí lên thêm gần 11 triệu USD
(220 tỷ đồng).
Bằng các cách thức khác nhau, nhà đầu tư Gamuda đã tính sai số tiền hơn 67 triệu USD ( gần 1.400 tỷ đồng) tại dự án này.
Điều đáng nói là số tiền chênh lệch 67 triệu USD mà chủ đầu tư tính sai có chủ ý ấy cũng lọt qua được những barie giám sát của các sở, ngành chức năng và UBND thành phố Hà Nội.
Việc tổng mức đầu tư của các dự án BT trên
sai lệch lớn có nguyên nhân trực tiếp là do các nhà đầu tư tự đề xuất,
tự lập dự án đầu tư nên đã đưa thêm khối lượng; tính không đúng đơn giá,
định mức, tỷ lệ chi phí làm tăng giá trị tổng mức đầu tư của dự án BT. Tổng mức đầu tư dự án tăng dẫn đến TP Hà
Nội phải giao quỹ đất để thực hiện dự án hoàn vốn lớn hơn chi phí thật
để thực hiện dự án BT. Nguồn: Kết luận Thanh tra của Bộ KH&ĐT
Đội giá công trình cao lên để được giao nhiều đất