12/11/2017 9:03 AM
Không chỉ với người lao động có thu nhập thấp, ngay cả với những gia đình khá giả, có thu nhập ổn định, để sở hữu được một ngôi nhà cũng không phải là điều đơn giản.

Giấc mơ xa vời với người thu nhập thấp

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học phía Bắc, anh Vũ Hoài Lâm quyết định vào TP.HCM lập nghiệp. Với tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin, anh Lâm được nhận vào làm việc trong một công ty tại quận 2 (TP.HCM) với mức lương hiện tại là 8 triệu đồng/tháng. Sau gần 10 năm làm việc, dù khá tiết kiệm, nhưng giấc mơ có nhà ở tại đất Sài Thành của anh Lâm vẫn xa vời.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Lâm cho biết, vào Nam lập nghiệp, anh đặt kế hoạch cố gắng làm việc và tiết kiệm để dành tiền mua nhà, đón gia đình vào ở, nhưng kế hoạch đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Sau gần 10 năm tiết kiệm và vay thêm bạn bè, tôi đang có trong tay 700 triệu đồng, định mua 1 căn hộ chung cư có 2 phòng ngủ, khoảng 70 m2, nhưng mãi không được. Đến hỏi dự án nào cũng có giá từ 1 tỷ đồng trở lên, trong khi vay thêm ngân hàng với mức thu nhập này thì rất khó. Do vậy, tôi đành tiếp tục thuê nhà trọ”, anh Lâm tâm sự.

Không chỉ anh Lâm, nhiều người có mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, trừ đi chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà hàng tháng, khó có thể tích cóp để mua nhà tại TP.HCM trong bối cảnh hiện nay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM đã có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn (25.320 căn hộ chung cư và 3.319 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 61.102 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm 48,8%, phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm 25,2%. Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74%.

“Dù số lượng căn hộ tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất, nhưng người thu nhập thấp tại TP.HCM vẫn khó để sở hữu cho mình một chốn an cư, vì những căn hộ được gọi là bình dân, nhưng không hề rẻ một chút nào. Trước đây, ở các quận, huyện xa trung tâm như Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12…, phân khúc căn hộ dưới 1 tỷ đồng rất nhiều, thì nay các dự án này rất hiếm hoi”, đại diện HoREA cho biết.

Có tiền cũng khó an cư

Không chỉ người thu nhập thấp xa vời với giấc mơ an cư, mà ngay cả với người có tiền, để sở hữu được căn nhà ổn định cuộc sống cũng không phải đơn giản. Bởi với hàng loạt dự án của nhiều chủ đầu tư đang triển khai trên thị trường, không phải dự án nào cũng về được đến đích để giao nhà cho người mua.

Đơn cử như trường hợp của hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Green Building - Cao Ốc Xanh (quận 9, TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư.

Tại dự án này, khách hàng đã trả đến 95% giá trị của căn hộ, nhưng sau gần 10 năm vẫn chưa nhận được nhà.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Trúc, một khách hàng mua căn hộ tại dự án này cho biết, năm 2007, chị đã vay ngân hàng để đóng tiền và ký hợp đồng với chủ đầu tư. Theo hợp đồng, đến năm 2009, gia đình chị sẽ có nhà mới, nhưng từ đó cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa chịu giao nhà.

“Đã trả gần hết giá trị căn nhà, chỉ còn 5% còn lại là đợi đến khi nào nhận sổ hồng mới phải trả, nhưng 10 năm nay, tôi vẫn chưa nhìn thấy ngôi nhà của mình như thế nào. Trong khi gia đình vẫn phải đi thuê nhà trọ và trả lãi ngân hàng đều đặn”, chị Trúc cho biết.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, trong quá trình thi công Dự án Cao Ốc Xanh, đã xảy ra mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà thầu, khiến công trình đang trong tình trạng dang dở. Hiện dự án này đã bị CIC8 cầm cố cho BIDV.

Trước thực trạng trên, đại diện HoREA cho rằng, việc mua nhà đối với người thu nhập thấp trong tình hình hiện nay là rất khó. Còn đối với những khách hàng có nguồn lực về tài chính, nên cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ dự án mình định mua trước khi xuống tiền, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Việt Dũng (Báo Đầu tư Bất động sản)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.