14/03/2012 2:18 AM
TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, hạ lãi suất sẽ tác động tích cực tới lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế, thậm chí, NHNN có thể bỏ trần lãi suất vào cuối năm nay, nếu có yếu tố mới xuất hiện.
Có thể bỏ trần lãi suất vào quý IV Thưa ông, việc NHNN quyết định giảm 1% trần lãi suất từ ngày 13/3 trong bối cảnh một loạt mặt hàng thiết yếu cũng vừa tăng hoặc chuẩn bị tăng có gây áp lực khiến lạm phát tăng trở lại?

Mục tiêu hạ lãi suất đã được Chính phủ đặt ra mấy tháng nay, song chưa có thời cơ thực hiện. Hiện là thời cơ tốt nhất để thực hiện, vì thanh khoản ngân hàng đã tốt hơn; lạm phát đã dần giảm; đang là thời điểm đầu năm, chưa có nhiều áp lực về cung tiền. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết, để tiến tới cơ chế thị trường. Nếu chúng ta cứ ghìm giá, nền kinh tế sẽ càng khó khăn hơn. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá đã được tính toán và mức tăng giá các mặt hàng này chỉ làm giá thành sản phẩm tăng 1%.


Dĩ nhiên, khi hạ lãi suất, vốn sẽ được đưa ra thị trường. Lượng vốn này cũng không nằm ngoài hạn mức tăng trưởng tín dụng 15-17%. Đồng thời, luồng vốn cũng sẽ được khống chế để chỉ chảy vào 3 khu vực: nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa và xuất khẩu. Ba lĩnh vực này đều làm ra hàng hóa, tạo việc làm, tăng sức mua, kích thích nền kinh tế phát triển. Đó cũng là điều kiện để cân đối lại tiền, tạo điều kiện thu tiền về. Tôi cho rằng, nếu việc bơm vốn phát huy hiệu quả, sẽ tác động tích cực tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế.


Mức giảm lãi suất 1% liệu đã đủ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn?


Việc giảm 1% tất cả các loại lãi suất, đặc biệt là lãi suất tái cấp vốn thị trường mở và lãi suất tiền gửi có khả năng thực thi được ngay, sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn rẻ. Việc giảm lãi suất 1% là chưa đủ, nhưng cần thận trọng trong nới lỏng chính sách tiền tệ, ưu tiên kiềm chế lạm phát. Mục tiêu của Chính phủ đề ra trong năm nay là đưa lạm phát về 9-10%. Nếu mỗi quý, lãi suất giảm 1%, thì từ nay đến cuối năm, trần lãi suất sẽ giảm còn 10-11%, nghĩa là vẫn đảm bảo lãi suất thực dương, đảm bảo lộ trình chống lạm phát an toàn. Đáng mừng nhất là quyết tâm chống lạm phát, hạ lãi suất của Chính phủ đã được thực thi trên thực tế, vì vậy, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều.


Việc hạ lãi suất hiện nay sẽ tác động ra sao đến các ngân hàng nhỏ?


NHNN chính thức hạ lãi suất 1% sẽ làm lộ rõ ngân hàng mạnh, ngân hàng yếu. Điều này là cần thiết, vì sẽ đảm bảo phản ánh chính xác sự công bằng và thực chất của các ngân hàng. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ có biện pháp chỉ đạo sát hơn và làm cơ sở để xử lý thích hợp đối với mỗi ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém.


Lãi suất đang dần hạ, theo ông, từ nay đến cuối năm 2012, chúng ta có thể bỏ trần lãi suất?


Trước mắt, chưa bỏ được trần lãi suất, nhưng dứt khoát trần lãi suất phải được loại bỏ, cả trần lãi suất tiền gửi lẫn trần lãi suất cho vay. Nếu chưa bỏ được cả hai vào thời điểm này, thì nên bỏ trần lãi suất huy động trước, bỏ trần lãi suất cho vay sau. Tôi cho rằng, nếu quý III, quý IV, xuất hiện yếu tố mới, thì có thể xem xét bỏ trần lãi suất.
Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.