Không như những bạn bè đồng trang lứa khác, chị Phương quyết định về quê làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Mặc dù mỗi ngày cả đi cả về gần 50km, nhưng với chị đây là công việc ổn định, thu nhập cao so với mặt bằng ở quê.
Làm việc được ba năm, chị Phương kết hôn. Chồng chị làm bếp trưởng cho một nhà hàng với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Cộng với thu nhập của chị, hai vợ chồng hoàn toàn có thể chi tiêu thoải mái, thậm chí còn dư giả.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên chồng chị Phương thường sau 12 giờ đêm mới trở về nhà. Trong khi đó, công việc của chị cũng phải di chuyển xa nên cũng thường về nhà vào buổi chiều tối muộn.
Sau 3 năm khởi nghiệp nhà hàng của chị Phương đã hoạt động ổn định - Ảnh NVCC.
Đến năm 2021, dịch covid-19 diễn biến phức tạp, nhà hàng nơi chồng chị Phương làm phải đóng cửa thực hiện giãn cách. Một công đôi việc, anh quyết định nghỉ việc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và lên kế hoạch tự mở nhà hàng với kinh nghiệm nhiều năm làm đầu bếp.
Ấp ủ gần một năm, đến đầu năm 2022 khi dịch covid có chuyển biến tích cực, vợ chồng chị Phương bắt tay thực hiện kế hoạch. Chị Phương cho hay ban đầu chị rất lo lắng vì để mở một nhà hàng phải cần vốn lớn và mất nhiều thời gian để vận hành. Trong khi đó, công việc của chị cũng đang ổn định, nhưng chị tin vào tay nghề của chồng. Thế là với số vốn 150 triệu đồng, vợ chồng chị Phương quyết định vay thêm ngân hàng bằng hình thức thế chấp sổ đỏ miếng đất mặt đường đang có.
“Tôi chia các khoản vay cụ thể cho từng mục để tiết kiệm chi phí nhất, đồng thời nhân cơ hội sửa chữa, cải tạo lại nhà. Trong đó, tầng 1 là khuôn viên nhà hàng, tầng 2 là phòng ngủ và sinh hoạt của gia đình. Khoản chi phí còn lại dùng để mua sắm những đồ dùng thiết yếu cho nhà hàng như bàn ghế, bát đũa, đồ nấu bếp, nhập nguyên liệu… Tổng số tiền vay ngân hàng là 700 triệu đồng, trong vòng 20 năm và lãi suất là 11%. Trung bình mỗi tháng trả gốc và lãi ngân hàng hơn 9,3 triệu đồng và giảm dần vào những tháng tiếp theo” – chị Phương chia sẻ.
Sau khi tính hết các chi phí và thực hiện, chị Phương có chút giật mình vì để vận hành nhà hàng cần phải nhiều chi phí khác như thuê nhân viên, các thiết bị điện nước... cộng với số tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng, vợ chồng chị phải đạt thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng thì mới dư giả. Liệu có khả thi với một nhà hàng mới mở?
Chị Phương lựa chọn nguyên liệu chính là hải sản vì nhà gần biển - Ảnh NVCC.
“Tôi định hoãn lại kế hoạch và bàn với chồng tiếp tục làm việc ở nhà hàng cũ, góp thêm được chút vốn để giảm số tiền vay. Nhưng chồng tôi động viên, dù cho hôm nay hay một năm nữa mở nhà hàng thì cũng cần phải mất một vài năm mới ổn định, thậm chí chấp nhận lỗ, hòa vốn trong một năm đầu, nên đã quyết định rồi thì bắt tay làm thôi” – chị Phương cho hay.
Chia sẻ thêm về hành trình khởi nghiệp, chị Phương cho biết đã từng có thời gian chị nản, muốn thanh lý lại nhà hàng vì gặp khó khăn. Nhất là, khi nhà hàng vận hành được hơn hai tháng, căn bệnh liệt tứ chi của chị lại tái phát phải nằm tại bệnh viện điều trị.
“Để tiết kiệm nhất, chúng tôi không dám thuê nhân viên trong mấy tháng đầu. Chồng tôi đứng bếp, còn tôi và một người cháu phục vụ. Đến khi tôi bệnh phải vào viện, nhà hàng không còn ai, phải thuê nhân viên. Rồi tiền điều trị, viện phí, thuốc thang, có tháng vợ chồng phải đi vay thêm để trả ngân hàng đúng hạn. Cho đến nay, đã 3 năm hoạt động, nhà hàng đã ổn định lượng khách mỗi ngày. Vợ chồng tôi còn nhận thêm làm đồ ăn cho tiệc cưới, tổ chức sự kiện nhỏ tại nhà hàng nên thu nhập cũng kha khá. Tôi nghĩ nếu ngày ấy không liều lĩnh thì hiện chúng tôi vẫn tất bật với công việc sáng đi tối về, không có thời gian dành cho con cái, gia đình và vui vẻ được như bây giờ” – chị Phương cho biết thêm.
-
Khởi nghiệp ở tuổi 30 liệu có dễ?
Nhìn giới trẻ bây giờ chỉ 23, thậm chí 20 tuổi đã tự mình mua được căn nhà riêng. Còn tôi, 30 tuổi mới thực sự trưởng thành.
-
Chưa cưới, bạn gái bắt người yêu nộp hết tiền lương, sáng đi làm chỉ nói cần bao nhiêu là được
Mới đây, mạng xã hội lại được phen dậy sóng khi rộ lên câu chuyện của một cô gái 25 tuổi chia sẻ “bạn trai không chịu đưa hết tiền lương và tiền tiết kiệm cho mình giữ”.
-
TS. Lê Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp hiện đang run sợ không dám vay vốn, các nhà thầu không dám nhảy vào đầu tư
TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, dòng chảy tài chính hiện nay trên toàn bộ nền kinh tế đang tắc và khả năng tắc kéo dài.
-
Bỏ phố về quê: Lựa chọn nhất thời hay phương pháp hữu hiệu để giảm áp lực tài chính
Năm 2012, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi, Hoàng Lan (32 tuổi, Hải Dương) tự tin sẽ tìm được công việc phù hợp, lương cao tại thành phố. Nhưng mọi chuyện xảy ra không như ý muốn khiến cô phải “bỏ phố về quê” để xây dựng lại từ đầu....