07/05/2014 4:21 PM
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, không ít cổ đông ngân hàng bức xúc vì sự tụt hạng của một số nhà băng về lợi nhuận, cổ tức năm 2013 cũng như kế hoạch 2014, làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Năm 2014, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận 1.800 tỷ đồng

Tại ĐHCĐ thường niên Eximbank diễn ra ngày 28/4 vừa qua, không ít cổ đông của ngân hàng này bày tỏ sự bức xúc trước quyết định cắt giảm cổ tức 2013 xuống còn 4%, thay vì 10 - 12% như kế hoạch ban đầu. Mặt khác, do lợi nhuận năm qua chỉ đạt gần 30% kế hoạch, khiến giá trị cổ phiếu Eximbank mà cổ đông nắm giữ sụt giảm. Nhiều cổ đông cũng không hài lòng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 1.800 tỷ đồng, vì cho rằng kế hoạch này sẽ làm tụt hạng của Eximbank so với một số nhà băng khác có cùng quy mô vốn điều lệ, chẳng hạn như Sacombank (khi ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận 2014 là 3.000 tỷ đồng).

Giải trình trước cổ đông, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2013 là 3.200 tỷ đồng, nhưng khi đó HĐQT đã không hình dung thị trường 2013 xuất hiện nhiều tình huống xấu, trong đó có áp lực tất toán trạng thái vàng. Trước đây, Eximbank kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và hoạt động này từng mang lại nguồn lợi lớn cho Ngân hàng. Giai đoạn 2011 - 2012, thu nhập từ kinh doanh vàng của Eximbank đạt 280 - 300 tỷ đồng, nhưng đến năm 2013, Eximbank phải đóng trạng thái vàng theo quy định và chịu khoản chi phí tới 80 tỷ đồng.

Đồng thời, theo ông Dũng, năm 2013 cũng là điểm rơi của một số chính sách, Eximbank cũng phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh hơn huy động. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động (NIM) bằng VND đã giảm đáng kể, từ mức 3,94% năm 2012 xuống 2,46% trong năm 2013.

Theo tính toán của Eximbank, việc giảm 1% NIM khiến Ngân hàng giảm thu nhập khoảng gần 1.000 tỷ đồng trong năm qua. Trong khi đó, trích lập dự phòng rủi ro lại tăng cao. Cụ thể, năm 2013, thanh tra toàn diện của Ngân hàng Nhà nước tại Eximbank kết luận, Ngân hàng cần tăng trích lập dự phòng năm trước là 273 tỷ đồng.

Ông Dũng cũng cho biết, trước tình hình thị trường hiện nay khó có thể kỳ vọng được chỉ tiêu lợi nhuận cao và kế hoạch lợi nhuận đưa ra ở mức 1.800 tỷ đồng đã được HĐQT Eximbank tính toán và có khả năng hoàn thành, do trong 4 tháng đầu năm đã đạt 600 tỷ đồng, sau khi trừ trích dự phòng 30 tỷ đồng thì lợi nhuận còn khoảng 570 tỷ đồng.

Còn tại Maritime Bank, không ít cổ đông đã thất vọng khi Ngân hàng quyết định không chia cổ tức năm 2013 và chủ trương này dự kiến sẽ được thực hiện trong cả năm nay. Sở dĩ, Maritime Bank không chia cổ tức là do nợ xấu tăng, trích lập dự phòng lớn. Lợi nhuận năm qua của Maritime Bank đạt hơn 400 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Chỉ tiêu năm nay Ngân hàng đặt ra là 265 tỷ đồng.

Diễn biến cũng tương tự tại DongABank, khi cổ đông của Ngân hàng không mấy hài lòng về việc sụt giảm mạnh lợi nhuận trong năm qua, chỉ đạt 430,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 43% kế hoạch và giảm 44% so với mức thực hiện năm 2012; cổ tức chỉ còn 5%. Trong đó, 3% đã được tạm ứng trong 6 tháng đầu năm 2013. Như vậy, cổ đông của DongABank sẽ chỉ còn nhận thêm 2%. Năm 2014, HĐQT DongA Bank chỉ đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 500 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013.

Tuy nhiên, trước ý kiến của cổ đông về việc giá cổ phiếu ngân hàng giảm do lợi nhuận, cổ tức năm qua sụt giảm mạnh, lãnh đạo nhiều nhà băng lại cho rằng, trong bối cảnh kinh tế nói chung và TTCK còn khó khăn hiện nay, thị giá cổ phiếu ngân hàng không hẳn bị ảnh hưởng bởi yếu tố cổ tức.

“Quan điểm của DongABank là xây dựng giá trị thực, chứ không phải đẩy chỉ tiêu lợi nhuận lên để lấy tiếng. Điều này đã được chứng minh qua thành công của đợt tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng của DongA Bank vừa qua và DongA Bank tiếp tục phát hành thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ để nâng vốn lên 6.000 tỷ đồng. Các cổ đông phải nhìn nhận về DongA Bank thế nào thì họ mới tiếp tục bỏ vốn đầu tư và mua cổ phiếu của Ngân hàng. Về việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, hiện đã có nhiều định chế tài chính đến trao đổi với chúng tôi, nhưng HĐQT vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp. DongA Bank chưa có quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung cho đến khi tìm được đối tác chiến lược ngoại”, lãnh đạo DongA Bank nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng xuất phát từ quản lý rủi ro. Chẳng hạn, với hoạt động tín dụng, nếu quản trị tốt, tỷ lệ nợ xấu không tăng thì nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận sẽ tăng lên và ngược lại. Do đó, nếu không quá chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động lãi suất cao, thì sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng là lý do các ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay không cao hơn kế hoạch năm trước, thậm chí là thấp hơn. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn tín dụng vẫn khó tăng trưởng.

Vân Linh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.