Vụ việc liên quan đến các dự án chậm bàn giao căn hộ, nhất là những dự án trên giấy như của công ty Vạn Hưng Phát, Gia Phú… có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi lẽ, khi mở bán căn hộ, các doanh nghiệp này đã không công khai thông tin về dự án, đặc biệt là phần liên quan đến tình hình tài chính, hồ sơ thế chấp dự án tại ngân hàng… Riêng trường hợp Công ty Vạn Hưng Phát, dù chưa xây dựng xong phần móng nhưng lại mở bán căn hộ cho người mua và huy động vốn lên đến 95% giá trị căn hộ là trái quy định. Đối với Công ty Gia Phú, hành vi vi phạm pháp luật càng rõ ràng hơn: Một căn hộ bán cho nhiều người. Cả 2 trường hợp này đều có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2006 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) quy định rất cụ thể việc công khai thông tin về BĐS khi đưa vào kinh doanh. Điều 11 Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 và điều 6 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đều bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải công khai về hồ sơ pháp lý của dự án; tiến độ xây dựng; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng… của dự án khi đưa vào kinh doanh, mua bán. Điều 39 Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) cũng quy định rõ: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”.
Như vậy, sau khi ký hợp đồng, nhận hàng chục tỉ đồng của khách hàng nhưng các chủ đầu tư không triển khai xây dựng dự án, cho thấy đây là một hình thức “bán nhà trên giấy”. Hành vi này không chỉ đơn thuần là sự vi phạm các cam kết trong hợp đồng giữa chủ dự án với khách hàng mà còn thể hiện chủ ý gian dối của chủ đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua nhà.
Rõ ràng, chủ dự án biết rõ dự án không được triển khai nhưng vẫn sử dụng nhiều thủ thuật để chiêu dụ lấy tiền người mua nhà. Những người mua nhà cần làm đơn cùng các tài liệu có liên quan gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an trình báo vụ việc, đồng thời đề nghị khởi tố vụ án để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của những người có trách nhiệm, như trường hợp công ty Vạn Hưng Phát, Gia Phú.
Đối với những trường hợp mua bán căn hộ đang xây dựng, để tự bảo vệ mình, người mua nhà cần tìm hiểu thông tin, không nên quá vội vàng tin vào những lời đường mật của chủ đầu tư hoặc các nhà môi giới; kèm theo đó, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, tránh sập bẫy chủ đầu tư.
Hiện nay, Luật Kinh doanh BĐS bắt buộc chủ đầu tư dự án khi bán căn hộ phải được ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Thế nhưng, đang xuất hiện tình trạng một số dự án nhận thông tin được ngân hàng A, ngân hàng B đứng ra bảo lãnh nhưng khi kiểm tra thì phát hiện đây là thông tin ảo. Vì vậy, người mua nhà phải tìm hiểu kỹ, cần thiết thì đến các ngân hàng để kiểm tra thông tin.
Trong một môi trường kinh doanh dự án căn hộ “vàng thau lẫn lộn”, để không rơi vào tình trạng “tiền mất, nhà không thấy đâu”, người mua nhà tự bảo vệ mình là quan trọng nhất.