Đời sống kinh tế càng phát triển, nhất là theo hướng văn minh hiện đại tất sẽ kéo theo sự tăng trưởng mạnh của ngành phân phối, bán lẻ; mà hình ảnh đặc trưng là những cơ sở bán lẻ hoạt động theo phương thức hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, người ta đã quen với hình ảnh của những siêu thị hoành tráng, tấp nập khách hàng và cũng nhờ đó góp phần cải thiện, rồi từng bước hoàn thiện bộ mặt đô thị theo tiêu chí văn minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Khách hàng tới siêu thị Metro những ngày cận Tết Ất Mùi. Ảnh: Tuấn Phong
Khách hàng tới siêu thị Metro những ngày cận Tết Ất Mùi. Ảnh: Tuấn Phong

Khoảng mươi năm trước là thời điểm bùng nổ siêu thị, với đặc điểm và tiện ích hơn hẳn cách kinh doanh, buôn bán tại chợ truyền thống. Đó cũng là lúc giới đầu tư chạy đua bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất phục vụ ngành bán lẻ và gần như bao nhiêu diện tích mặt bằng làm xong sẽ có đơn vị thuê lại để kinh doanh. Cánh cửa rất rộng và gần như bảo đảm có lãi cho cả đôi bên.

Nhưng dường như làn sóng xây dựng cơ sở, mặt bằng cho ngành này vẫn tiếp diễn, mặc dù tình hình thực tế đã thay đổi nhiều; thậm chí diễn ra bất lợi hơn đối với chủ đầu tư. Vấn đề là nguồn cung tăng rất mạnh mà cầu lại thấp hơn. Đơn cử, tổng diện tích sàn cho mục đích này tại Hà Nội năm 2011 là 200.000m2 và đã tăng gấp 3 lần khi kết thúc năm 2014. Thực tế đó đẩy một số chủ đầu tư vào tình trạng "bói" mãi không tìm được người thuê lại mặt bằng, mặc dù sẵn sàng hạ giá thuê 15-20% so với thời gian thị trường ổn định trước đây. Cũng đã có một vài cơ sở phải tạm đóng cửa, nghiên cứu phương án chuyển đổi mục đích hoặc tái cơ cấu hạng mục kinh doanh…

Như vậy, diễn biến trên là hậu quả của quá trình "say mê" đầu tư, dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Hậu quả đang nhãn tiền khi nhà đầu tư "chôn" trung bình hàng trăm tỷ đồng tiền vốn vào một công trình mà không đoán định được bao giờ có khách để từng bước hoàn vốn. Nói cách khác, đó là sự lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định trên thị trường nói chung và thiệt hại đối với các bên liên quan nói riêng.
Kính Lúp (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.