Một dự án cao ốc trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TPHCM "đắp chiếu" từ nhiều năm nay được Công ty Hưng Thịnh nhận chuyển nhượng, đang được tiếp tục triển khai. Ảnh: Thành Hoa.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), có hiệu lực từ tháng 7-2015.
Tại khoản 2 điều 49 của luật này về “điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản” quy định điều kiện chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Trao đổi với TBKTSG Online , ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, quy định này khiến Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) không khác luật cũ là mấy.
Nếu chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay nói cách khác là sổ đỏ) với toàn bộ hoặc một phần dự án chuyển nhượng mới được chuyển nhượng thì trước đó họ phải làm các thủ tục giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch, xin quy hoạch 1/500 hoặc hoặc quy hoạch tổng mặt bằng, nộp xong tiền sử dụng đất.
Ông Châu phân tích, nếu chủ đầu tư đã có sổ đỏ của dự án hoặc một phần dự án và khi chuyển nhượng, chủ đầu tư mới không đồng ý quy hoạch của chủ đầu tư cũ thì họ lại phải làm lại từ đầu.
Khi đó, chủ đầu tư mới lại phải thuê tư vấn quy hoạch, nếu quy hoạch có sự thay đổi thì tiền sử dụng đất cũng đươc áp dụng mức mới nên họ phải làm lại thủ tục đóng tiền sử dụng đất…
“Chủ đầu tư mới phải làm lại các việc chủ đầu tư cũ đã làm, mà lẽ ra nếu cho chủ đầu tư được chuyển nhượng dự án hoặc một phân dự án ngay khi họ có quỹ đất sạch thì không gây ra những phiền hà thủ tục này”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, việc chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án bất động sản giữa hai chủ đầu tư là nhằm mục đích tiếp tục phát triển dự án, tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, nếu giảm bớt được các thủ tục trên sẽ giảm bớt được chi phí phát triển dự án và khách hàng sẽ được lợi khi giá nhà đất không tăng.
Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản An Gia, một doanh nghiệp từng nhận chuyển nhượng dự án để tiếp tục phát triển, cũng đồng tình với ý kiến của ông Châu ở HoREA.
Ông Tín cho rằng, nếu theo quy định trên, An Gia buộc phải tìm được chủ đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với dự án hoặc một phần dự án mà doanh nghiệp này định mua, điều này sẽ khó hơn so với tìm được chủ đầu tư có quỹ đất sạch.
Một tổng giám đốc công ty bất động sản khác ở TPHCM lại đánh giá, quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản như trong Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) là “bình mới, rượu cũ”, chưa có nhiều cải tiến thực sự.
Trước đây, HoREA đã nhiều lần lên tiếng trong quá trình lấy ý kiến cho Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đặc biệt là điều kiện để chuyển nhượng dự án bất động sản.
Theo đó, ông Châu cho rằng, luật mới đã tiến bộ hơn so với luật cũ khi cho phép chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác, thay vì chỉ cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án như trước đây.