Ông
Phạm Đức Thành, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Hà Đô cho biết, Hà đô nhận
được lời chào bán của nhiều loại dự án. Có dự án đang triển khai nhưng
doanh nghiệp cạn vốn nên muốn chuyển nhượng. Có dự án đã xây dựng xong
nhưng không bán được hàng, buộc chủ đầu tư phải bán đứt cả dự án với giá
rẻ để thu vốn đầu tư... "Đa số chủ đầu tư các dự án bất động sản muốn
chuyển nhượng là các doanh nghiệp mới bước vào kinh doanh bất động sản.
Khi thị trường bất động sản đóng băng, họ "không chịu được lạnh", nên
phải chuyển nhượng dự án", ông Thành nói.
Ngoài
ra, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn bất động sản
Sohovietnam, một số công ty vốn không có kinh nghiệm kinh doanh bất động
sản, nhưng đã nhảy vào lĩnh vực “trái tay” này khi thị trường nóng. Giờ
đây, trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, họ buộc phải cơ cấu
lại danh mục đầu tư, chuyển nhượng dự án, để tập trung vào lĩnh vực kinh
doanh chính.
Với
việc chuyển nhượng dự án ở thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh bất
động sản sẽ đạt được nhiều mục đích: sớm rút khỏi những dự án có tính
rủi ro cao, hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tăng năng lực thực hiện
dự án, phần tài chính thu được sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết áp lực
tài chính đang đè nặng.
Quan
sát thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay, rất dễ để nhận thấy,
phần lớn các thương vụ chuyển nhượng dự án diễn ra dưới hình thức chuyển
nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Theo ông Chi Edward,
Tổng giám đốc Công ty Coldwell Banker Việt Nam, những thương vụ chuyển
nhượng dự án bất động sản được công bố công khai thực chất mới phản ánh
phần nổi. Trên thực tế, phần thoả thuận chuyển nhượng ngầm mới thật sự
sôi động…
Công
ty TNHH Savills Việt Nam cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, số
thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản mà Savills tham gia tư vấn đã
tăng 20-30% so với năm ngoái. Trong đó, số thương vụ được chuyển nhượng
thành công chiếm khoảng 50%. Đặc biệt, trong những thương vụ chuyển
nhượng thành công, bên mua chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài... Xu hướng
chuyển nhượng dự án bất động sản tại TP.HCM khá rõ ràng và công khai,
còn tại khu vực Hà Nội, hoạt động này diễn ra âm thầm và các doanh
nghiệp thường bảo mật thông tin về các giao dịch.
TS. Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SmiC nhận xét, tuy có sự gia tăng về số lượng, song quy mô và giá trị các dự án chuyển nhượng mới ở mức trung bình, chưa có những thương vụ thực sự đình đám. Các thương vụ mới nhắm đến mục tiêu ngắn hạn, tập trung vào các dự án đã có mặt bằng sạch, nằm ở các trung tâm lớn như Hà Nội và TP.HCM. Phân khúc thị trường được quan tâm nhất là các dự án đất nền, văn phòng và chung cư cao cấp vốn có khả năng sinh lời cao. Các dự án bất động sản sinh thái, phát triển hạ tầng và các dự án quy mô lớn, dài hơi vẫn nằm ngoài tầm ngắm của giới đầu tư.
Theo các chuyên gia bất động sản, hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ tăng cao vào cuối năm 2011 và trong năm 2012, do các doanh nghiệp chưa giải quyết được bài toán thiếu vốn và các ngân hàng vẫn hạn chế cho vay. Các dự án chào bán ngày một tăng về số lượng và quy mô. Đây là cuộc sàng lọc tích cực cho thị trường, nhằm loại bỏ những doanh nghiệp tham gia cuộc chơi bất động sản theo kiểu ăn xổi, đầu tư lướt sóng và giữ lại những nhà đầu tư giàu thực lực. Sau cuộc thanh lọc này, trên thị trường sẽ xuất hiện một số “đại gia” kinh doanh bất động sản có tiềm lực, biết nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng và họ sẽ là những người dẫn dắt thị trường trong tương lai.