08/06/2011 2:29 AM
Giá tiền hợp lý, “chìa khóa trao tay”, thời gian thi công ngắn là những điểm hút khách của chung cư mini. Nhưng đằng sau sức hấp dẫn ấy là những câu chuyện “dở khóc, dở cười”…
Cầu thang hẹp gì mà hẹp thế!

Trong vai người đi mua chung cư mi ni, PV VTC News đã "mục sở thị" cảnh sống của những người ở chung cư mini. Và nhiều chuyện khóc cười của dân nơi đây sẽ giúp những người có ý định mua chung cư mini cân nhắc trước khi chọn mua.

Nếu các khu chung cư lớn, thang máy là phương tiện di chuyển lên – xuống giữa các tầng, thì tại đa số các khu chung cư mi ni, người dân phải đi lại bằng các cầu thang bộ.

Chuyện dở khóc dở cười ở chung cư mini
Cầu thang siêu hẹp.
Điều đáng nói, cái “con đường” đi duy nhất của hàng chục hộ gia đình này lại luôn được các chủ nhà để dành cho diện tích một cách quá khiêm tốn.

Sau khi len lỏi qua những con ngách siêu nhỏ và sâu hun hút tại 1 con ngõ trên phố Xuân Thủy (Hà Nội), đến cuối đường là một tòa nhà được xây trên diện tích chừng 150m2. Tại chung cư mini này, điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là chiếc cầu thang siêu hẹp.

Hẹp đến nỗi, người béo quá 80kg mà đi vào thì chỉ có cách là... đi nghiêng. Còn hai người, một đi lên, một đi xuống, muốn tránh nhau giữa cầu thang thì... không thể. Cách duy nhất là phải…nhường nhau, một người quay lại chiếu nghỉ để người kia đi trước. Chiếc cầu thang này chưa rộng nổi 1m, chỉ tầm 70 – 80 phân là cùng.

Đã là tận dụng nên từng m2 đất phải được tiết kiệm để thu được lợi nhuận. Vì vậy, cầu thang chỉ cần đủ để đi lại là được rồi.

Bác Ngà, ở tầng 7 (tầng cao nhất của chung cư mini này) đã chuyển về sống tại đây hơn 2 năm kể, cầu thang chật, tất nhiên là chỉ để đi lại, còn mang vác đồ thì vất vả lắm.

“Tháng trước, con trai tôi đi công tác nước ngoài 1 tháng, mang theo chiếc va ly rộng gần bằng chiều rộng của cái cầu thang. Va ly thì không thể tháo ra được. Hai vợ chồng nó đành bỏ hết các vật dụng đã mất công sắp xếp trong đó ra cho nhẹ, rồi chồng đi đằng trước, vợ đi đằng sau, nhấc bổng cái va ly xuống 7 tầng”, bác Ngà kể.

Chuyện dở khóc dở cười ở chung cư mini
Các phòng san sát nhau.
Cầu thang hẹp quá, nên việc vận chuyển đồ đạc lên cũng là một thử thách lớn. Quan sát nhà bác Ngà, đa số đồ đạc đều rất đơn giản, gọn nhẹ, ít đồ đạc cồng kềnh. Cả căn phòng có duy nhất một chiếc tủ quần áo là lớn nhất. Để mang được chiếc tủ này lên được tầng 7, bác Ngà phải tháo từng bộ phận ra rồi thuê người khiêng từ tầng 1 lên, chứ không thể khuân cả qua cầu thang.

Ti vi, tủ lạnh đều rất xinh xắn. Nếu ở tầng 1, tầng 2 thì còn có thể dùng ròng rọc qua hành lang ở ngoài hiên kéo lên, chứ nhà bác Ngà ở tầng 7 khó mà kéo nổi, hơn nữa nếu tuột tay sẽ vừa hỏng đồ, vừa nguy hiểm nếu có người đi ở dưới.

Không chỉ hẹp, chiếc cầu thang này còn rất tối. Đi cầu thang mà tôi phải lần mò, vừa vịn tay vào lan can, vừa lò dò bước từng bước một, như đứa trẻ mới tập đi phải vịn tường. Vậy mà vẫn bước hụt vài lần khi đến chiếu nghỉ vì không rõ đã lên đoạn thang tiếp theo chưa.

Theo khảo sát của PV VTC News, hầu hết cầu thang tại các chung cư mini đều khá hẹp và tối. Các khu chung cư này thường nằm trong các ngõ ngách chật chội và ít có căn nhà nào vuông vắn.

Cháy! Chạy đi đâu?

Chuyện dở khóc dở cười ở chung cư mini
Bình cứu hỏa mi ni này dường như là có cho đủ.
Thang hẹp. Ba, bốn người cùng đi 1 lúc thì chỉ có cách xếp hàng như thời bao cấp rồi chạy dần đều đi xuống. Nhưng đó là những lúc bình thường. Còn khi có sự cố, ai cũng muốn chạy thật nhanh, thoát thật mau…thì có lẽ chỉ còn cách hoặc chen lấn, xô đẩy hoặc “nhảy lầu” thoát hiểm từ hành lang!

Trong vai người đi mua chung cư mi ni, PV VTC News thấy hầu hết các chung cư mini đều không có cầu thang thoát hiểm và hệ thống phòng chống cháy nổ. Trong khi đó, chiếc cầu thang duy nhất đi lại được thì quá chật hẹp.

Chung cư mini khác ở ngõ 99 Xuân Thủy (Hà Nội), để an lòng khách hàng, có trang bị một bình cứu hỏa mini nhưng như chỉ để có, chứ nếu có cháy nổ thật thì cũng không ăn thua khi cả 6 tầng nhà không có cầu thang thoát hiểm.

Trong khi đó, hệ thống điện cũng được chăng rối rắm như mạng nhện, rất dễ xảy ra chập điện, cháy nổ.

Bên cạnh đó, hầu khắp các chung cư mini đều không có ban quản lý, không có phòng bảo vệ, mọi thứ do các hộ gia đình tự quản, tự đề ra với nhau. Tầng 1 được dùng để xe, nhưng không có ai trông nom. Các hộ gia đình phải tự trang bị các thiết bị để bảo vệ như chăng dây xích, khóa cổ, khóa càng. Quy định đi ra, đi vào phải khóa cổng cẩn thận. Dẫu vậy, tâm trạng lo lắng mất xe vẫn cứ canh cánh trong lòng.

“Ở thế này, có muốn lên đời xe cũng không dám. Tốt nhất là đi những loại xe rẻ tiền, xấu xấu, mất cho đỡ tiếc”, anh Nam, ở chung cư mi ni ngõ 233 Xuân Thủy (Hà Nội) than thở.

Không chỉ không có bảo vệ, không hệ thống chữa cháy, tại các khu chung cư mini này, vấn đề vệ sinh cũng hết sức nhức nhối. Vì là không gian tập thể, nên trên các hàng lang, cầu thang và chiếu nghỉ luôn có... rác.

Trong khi đó, vì không có lao công nên cũng không gia đình nào có ý thức dọn dẹp. Mặc dù tại mỗi tầng đều có một chiếc chổi đã cùn nhưng dường như để cho có, còn không ai có ý định sử dụng.

Sổ đỏ: Không có đâu!

Liên hệ với các chủ nhà muốn bán chung cư mini, PV đều nhận được những lời mời chào ngon ngọt “Em yên tâm đi, nhà có sổ đỏ đàng hoàng, sang tên chính chủ, chị bí tiền nên mới bán”.

Chuyện dở khóc dở cười ở chung cư mini
Hệ thống điện rất nguy hiểm nếu bị chập mạch.
Tuy nhiên, khi yêu cầu được xem thì các chủ nhà đều thoái thác với lý do, sổ đỏ sẽ có sau, trước mắt khách mua nhà sẽ đặt tiền, khi nào giao đủ sẽ giao một bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kèm theo hợp đồng mua bán nhà, giấy sang tên và bản cam kết thỏa thuận sử dụng nhà giữa người mua và người bán.

“Mua chung cư mini thủ tục đơn giản lắm, không phức tạp như mua chung cư thường đâu. Tiền trao, cháo múc, thế là xong”, chị Nguyệt, chủ một chung cư mi ni ở Cầu Giấy nói.

Anh Tuấn, ở chung cư ni ni trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, anh mua căn hộ này được hơn 1 năm nhưng đến giờ vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nhiều lần hỏi chủ nhà nhưng đều nhận được câu trả lời thờ ơ: “Đang làm, cứ chờ rồi sẽ có, không ai xù đâu mà lo”.

Mặc dù, để an tâm, trước khi giao tiền để lấy nhà, anh Tuấn đã yêu cầu không trả 20 triệu đồng còn lại, để khi nào cầm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà sẽ trả nốt. Nhưng so với số tiền mua căn nhà (hơn 1 tỷ đồng) thì 20 triệu đồng, đúng là quá nhỏ, vì vậy, chủ nhà vẫn dửng dưng chưa chịu làm cho khách.

Như vậy, có thể thấy trong trường hợp có tranh chấp, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người mua vì họ không có giấy tờ hợp pháp để được bảo vệ trước pháp luật. Tuy nhiên, với những người có thu nhập trung bình thì sở hữu 1 căn nhà với mức giá trên dưới một tỷ ở ngay trung tâm Hà Nội đã là một giấc mơ quá xa vời. Vì vậy, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận “đánh liều” để có được một căn nhà.

“Chuyện sổ đỏ có lẽ không đáng lo bằng việc sau một thời gian sử dụng, chung cư bị xuống cấp, lún nứt nguy hiểm, thậm chí đến lúc tồi tàn quá phải đập đi xây mới lại thì ai sẽ đứng ra làm và quyền lợi của chúng tôi, ai đảm bảo?”, anh Tuấn than thở.
Theo Châu Anh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.