Hôm nay thị trường đón nhận thêm một lớp nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng “trơ” trước tin xấu. Lực mua tăng lên rất mạnh giúp chỉ số lần đầu tiên thử lại ngưỡng kháng cự 440 điểm sau 9 phiên.

Nhà đầu tư trong nước đã nhiệt tình hơn với thị trường

Phần lớn thời gian giao dịch hôm nay là bữa tiệc của người mua. Tâm lý hồ hởi thấy rất rõ qua khối lượng giao dịch tăng nhanh. VN-Index sau vài phút ngập ngừng đã tăng một mạch gần như liên tục. Mức dao động của chỉ số khá cao, khoảng 1,26%.

Đến sát 10h, giá trị khớp lệnh tại HOSE đã vượt quá 400 tỷ đồng, một tốc độ giao dịch khá tốt nếu so với mấy phiên tăng vừa qua. VN-Index tăng khoảng 5,7 điểm từ đáy thấp nhất. Số cổ phiếu tăng giá cũng chiếm áp đảo cho thấy lực mua giá cao là khá phổ biến chứ VN-Index không phải phục hồi nhờ một số mã cá biệt.

Tăng trần đáng chú ý hôm nay chỉ còn SAM. Cổ phiếu này được đẩy lên trần ngay từ 9h. Hoạt động chốt lời cũng xuất hiện mạnh khiến SAM giao dịch tới trên 688.000 đơn vị, cao nhất kể từ đầu tháng 8/2010. SAM đang gặp một ngưỡng kháng cự ngắn hạn ở vòng 18.000 đồng – 19.000 đồng được thiết lập từ cuối tháng 10.

Nhìn chung nhóm blue-chip hôm nay xuất hiện cung khá mạnh. Khối lượng giao dịch của 40 mã lớn nhất HOSE tăng khoảng 12% về khối lượng nhưng khá nhiều mã không giữ được mức cao nhất cho đến lúc đóng cửa. DPM, FPT, HAG, PVD yếu đi khá rõ. ITA có lúc khớp trần nhưng gần như bên mua chỉ “chạm” vào mức giá này trong vài lệnh lẻ tẻ.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục tăng tốt. Trong 67 mã tăng trần tại HOSE thì đa số là penny. VN-Index tăng chung cuộc 1,23% thì nhóm vốn hóa dưới 500 tỷ tăng tới 2,2%, lượng giao dịch cũng tăng gần 34% so với hôm qua.

Phiên hôm nay có lẽ đã khẳng định thông tin CPI được nhà đầu tư tiếp nhận một cách bình tĩnh. “Đỉnh của lạm phát là đáy của chứng khoán: - luận điểm này được số đông chấp nhận. Đúng sai chưa rõ nhưng tâm lý thị trường hôm nay là rất tốt. Lực cầu hưng phấn đẩy giá đã mạnh hơn và duy trì trong thời gian dài.

Áp lực bán tại mức kháng cự 440 điểm có thể nhận thấy rất rõ trong 30 phút giao dịch cuối cùng của đợt hai. Sau sóng tăng kéo dài, VN-Index được đẩy lên mức cao nhất 440,19 điểm khoảng xấp xỉ 10h. Đây là lần đầu tiên sau 9 phiên VN-Index mới có một nhịp tăng thử mức kháng cự.

Tại khu vực này, lượng cung khá dày đặc khiến bên mua không đẩy giá qua được lượng chặn bán. Thống kê cho thấy trong 30 phút cuối đợt hai, lượng chuyển nhượng thành công xấp xỉ 9,7 triệu đơn vị. VN-Index không những không tăng thêm mà còn giảm so với đỉnh 1,29 điểm, tính đến lúc chuyển sang phiên 3.

Khối lượng khớp lệnh trên cũng không phải là quá lớn nhưng tại thời điểm đó, cầu giá cao bắt đầu cân bằng với cung. Khả năng va chạm vào mức kháng cự trong phiên cuối tuần sẽ tiếp tục và áp lực bán có thể nhiều hơn.

Tổng thể, VN-Index hôm nay tăng phiên thứ 3 liên tiếp, khối lượng khớp lệnh cũng tăng 27%. Khối lượng tăng lên cùng với giá là điều tích cực nhất. Đây cũng là lần đầu tiên sau 4 phiên giá trị khớp lệnh (không tính thỏa thuận) tại HOSE vượt qua mức 500 tỷ đồng. Nếu tính chung cả hai sàn, hôm nay cũng là ngày có giá trị khớp lệnh cao nhất trong 9 phiên (1.236,4 tỷ đồng) và là lần đầu tiên sau 7 phiên vượt qua mức 1.000 tỷ đồng.

Khối ngoại mua vào giảm khoảng 21% nhưng tỉ trọng mua trên tổng khối lượng khớp lệnh của HOSE, chỉ còn 10,8%. Đây là phiên khối ngoại đóng góp ít nhất trong tổng khối lượng giao dịch của 5 phiên gần đây. Điều đó cho thấy hôm nay nhà đầu tư trong nước đã nhiệt tình tham gia thị trường hơn.

Tuy nhiên về giá trị, khối ngoại vẫn còn chiếm khoảng 17% giá trị khớp lệnh tại HOSE. Trong 22 phiên kể từ 25/10 đến nay, khối ngoại đóng góp bình quân 25,3% trong tổng giá trị khớp lệnh. Lượng vốn của khối ngoại bỏ vào mua như vậy cũng không giảm quá mạnh. Nguyên nhân là do đích đến của dòng vốn này vẫn là nhóm cổ phiếu lớn có thị giá cao.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, tác động chi phối của khối ngoại hôm nay đáng kể chủ còn với BVH: khối lượng mua vào chiếm gần 86% thanh khoản. Ở các mã còn lại tỉ trọng mua không còn lớn như trước: DPM (64,4%), FPT (63%), HAG (73%), HPG (37,4%), PPC (62%), PVD (76,9%), PVF (64%)...

Với phiên tăng hôm nay, VN-Index đã “đụng” vào vùng kháng cự ngắn hạn 440 điểm – vốn là ngưỡng hỗ trợ kéo dài trong suốt tháng 9 và tháng 10, cũng tương đương đường bình quân giá 20 ngày. Về mặt kỹ thuật, nếu chỉ số vượt qua được ngưỡng kháng cự này thì có thể thoát ra khỏi sự “ám ảnh” về một đợt phục hồi kỹ thuật để trở lại quỹ đạo tích lũy trước kia. Lực mua giá cao có lẽ cần mạnh hơn nữa trong phiên cuối tuần vì cung quanh ngưỡng kháng cự có thể gia tăng.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland