Một phiên giao dịch chưa từng có trong lịch sử. Tổng lượng trên hai sàn lên tới trên 120 triệu đơn vị với cuộc đổ bộ của gần 6.800 tỷ đồng.

Kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam lại được lập mới trong phiên sáng nay. Cả hai đầu HOSE và HNX cùng đón một không khí sôi động, cả ở diễn biến giá chứng khoán, chỉ số và khối lượng giao dịch. Trong đó, có những điều mà nhà đầu tư sẽ phải suy ngẫm.

Trước hết, kỷ lục mới của nguồn tiền gần 6.800 tỷ đồng đặt ra những suy xét khác nhau. Đó là kết quả của hoạt động chốt lời quá mạnh, điểm hẹn bán ra quá lớn. Trong nhận định mang tính cá nhân của mình gửi khách hàng, lãnh đạo của một công ty chứng khoán cho rằng khối lượng được đẩy lên cao là điều đáng suy ngẫm; về ngắn hạn, đây là thời điểm bán tốt nhất và điều chỉnh xảy ra sẽ ở mức nhỏ.

Ngược lại, phía sau kỷ lục gần 6.800 tỷ đồng đó là sự hưng phấn của thị trường, sức mạnh của nguồn tiền thời điểm này. Hẳn đã có khác biệt, khi trong tháng 6 thị trường bùng nổ, có những hoài nghi về các dòng chảy từ vay vốn kích cầu; nay chỗ đứng của hoài nghi đó hẳn đã chật hẹp.

Trên 120 triệu đơn vị được chuyển nhượng sáng nay cũng đã tạo một cuộc “thay máu” lớn. Điều chỉnh đã xuất hiện cuối phiên, nhưng chưa thể nói về sự suy giảm của niềm tin thời điểm này.

Đầu phiên, vẫn là diễn biến tăng đều thường thấy những phiên đầu tuần. Khi VN-Index dễ dàng vượt mốc 580 điểm, tâm lý thị trường thuận lợi hơn. Mốc kháng cự tâm lý 590 điểm cũng trở nên mờ nhạt khi chỉ cần chưa đầy hai phút bước vào khớp lệnh liên tục VN-Index đã vượt qua. Và 20 phút đầu tiên của đợt 2 là vùng hứng khởi nhất sáng nay, chỉ số tăng mạnh lên mức cao nhất 594,32 điểm chỉ với 27 triệu đơn vị và 1.300 tỷ đồng.

Nhưng sau kết quả ấn tượng đó, “thời điểm tốt để bán” dồn đẩy các quyết định chốt lời. Hơn 80 triệu đơn vị bán xong sau đợt 2 đã là một con số khổng lộ. VN-Index giảm tốc và đổi màu trước giờ đóng cửa, giảm nhẹ 0,74 điểm và kịp đón thêm gần 10 triệu đơn vị. Sau 8 phiên lên điểm liên tiếp, VN-Index đã đảo chiều, đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. Nhưng trước một làn sóng chốt lời quá lớn, mức giảm nhẹ của Index không hẳn là một kết quả tồi.

Bên cạnh sức mạnh nguồn tiền thể hiện, điểm nổi bật của phiên sáng nay, cũng như diễn biến của thị trường thời gian gần đây, là sự thay đổi vai trò của các nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn. Có thể xem đó là sự phối hợp nhịp nhàng để giữ thành quả của đợt đi lên này. Đây cũng là điểm khác biệt hiện nay, so với các đợt đi lên từ tháng 3/2009.

Nhìn lại, phiên ngày 16/9 vừa qua, nhóm cổ phiếu tài chính đã tỏa sáng kịp thời, cứu thua cho chỉ số khi loạt cổ phiếu lớn khác thoái trào. Hôm nay, sự “thay phiên” đó lại xuất hiện. Không chỉ tạo giá trị hỗ trợ cho riêng phiên này, mà yếu tố đó đang góp phần tạo nên hấp dẫn và bất ngờ của thị trường thời điểm này.

SJS hôm nay điều chỉnh mạnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức đợt 2/2008 và đợt 1/2009. HAG giảm sàn. Sự điều chỉnh cũng xuất hiện ở nhóm cổ phiếu cao su, như DRC, DPR. Nhiều cổ phiếu lớn giảm giá như DPM, FPT, ITA, KDC, PPC, PVT, VNM, VPL…

Nhưng một lần nữa nhóm cổ phiếu tài chính gợi mở sự trở lại. SSI là phiên tăng điểm nối tiếp. Nổi bật là STB, dù không giữ được mức tăng mạnh nhất trong phiên (đạt trần 32.300 đồng, tăng 1.500 đồng) đầu giờ khớp lệnh liên tục. PVF, VCB, CTG trong phần lớn thời gian giao dịch cũng đã tăng giá khá mạnh, nhưng đuối dần về cuối phiên.

Trên sàn Hà Nội, ACB cũng đã có sự trở lại ấn tượng giữa phiên với mức cao nhất 48.000 đồng, nhưng cuối phiên lùi về mốc 46.400 đồng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán như BVS, KLS, HPC lên giá khá mạnh. Và nổi bật nhất vẫn là hiện tượng VCG với hoạt động chốt lời mạnh, khối lượng vọt lên tới 6,4 triệu cổ phiếu, không giữ được giá trần nhưng tiếp tục đạt mức cao (bình quân 58.600 đồng/cổ phiếu).

Đây cũng là phiên biến động mạnh của chỉ số HNX-Index, từ bước tiến dài 7,45 điểm về mức tăng 1,45 điểm kết thúc phiên.

Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland