15/08/2014 8:26 PM
Rất nhiều lần Thành ủy Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành hữu quan họp bàn mổ xẻ để tìm giải pháp hữu hiệu, hợp lý nhất cho bài toán chung cư, tập thể cũ ở Thủ đô. Lần "hội đàm" gần đây nhất, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ đưa ra những đề nghị đòi hỏi lộ trình công phu.

Các cơ quan hữu trách đều thừa nhận ách tắc trong cải tạo nhà chung cư (NCC) cũ. Nhưng đáp án cho vấn đề dung hòa "lợi ích - nhận thức của người dân và trách nhiệm của Nhà nước với an sinh/an cư", vẫn mờ mờ ảo ảo…

Đụng đâu, vướng đó

Sau chuyến thị sát và làm việc giữa Bộ Xây dựng với Lãnh đạo Hà Nội cùng các sở ngành liên quan, nhiều thông tin "đắt" xoay quanh thực trạng đáng lo ngại của CC cũ Thủ đô đã được công bố.

Số liệu, nhận định, kiến nghị, đề xuất giải pháp của lãnh đạo Bộ, Thành ủy, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đưa ra ngay lập tức "hâm nóng" dư luận người dân và giới chuyên môn.

Nét chung, những block nhà tuổi đời "trung niên" (trên 30 năm) chỉ được cải tạo với tỷ lệ… không đáng kể, bởi quá nhiều trở ngại về pháp lý, GPMB, đền bù tái định cư và nhất là khó khăn tài chính đè nặng DN.

Số liệu đánh giá cụ thể giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội lần này được xem như "sát thực tế" nhất. Đơn cử, thông tin từ Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đến nay, Hà Nội đã tổ chức kiểm định 165 NCC cũ, trong đó 54 nhà/đơn nguyên được phân loại nguy hiểm (từ loại C trở lên) cần cải tạo/phá dỡ, trong đó có 3 nhà nguy hiểm (loại D) cần di dời khẩn cấp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có NCC nguy hiểm nào được xử lý (!). Về phía Sở Xây dựng, địa bàn Hà Nội có khoảng 1.155 NCC 4 - 6 tầng và 10 khu từ 1 - 3 tầng. Hầu hết các khu nhà này được xây dựng từ những năm 1980 về trước.
Kèm theo đó là các khu nhà tập thể đơn lẻ, do các cơ quan tự quản, như khu tập thể Nam Đồng, tập thể quân đội tại Xã Đàn… chưa bàn giao cho TP - lý do khiến đại diện Bộ Xây dựng lo ngại con số 165 chưa phản ánh đầy đủ sự nguy hiểm đến từ những tòa nhà lâu năm nằm len lỏi trong Thủ đô (!)

Về giải pháp, Hà Nội đã ban hành quy chế cải tạo, xây dựng lại các khu CC cũ bị hỏng, xuống cấp trên nguyên tắc xã hội hóa, tự cân đối tài chính dự án cách đây 6 năm. Kết quả thực hiện, chỉ 14/165 khu CC cũ thuộc nhóm cấp công trình nguy hiểm cần cải tạo/phá dỡ (cấp C và D) được cải tạo.

Nguyên nhân đưa ra từ các cơ quan chức năng Hà Nội: DN chưa mặn mà tham gia; thiếu đồng thuận của người dân trong GPMB, tạm cư, tái định cư, đặc biệt các hộ ở tầng 1; ngân sách còn hạn chế để thực hiện việc kiểm định và xử lý CC nguy hiểm… Điển hình cho những trở ngại nêu trên, chính là tập thể Nguyễn Công Trứ.

Đáng chú ý, là những gợi mở đề xuất rất "táo bạo" đến từ Thành ủy. Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội khẳng khái: "NCC cũ mà bị sập gây thiệt hại cho người dân thì trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch TP… Tại sao không đưa ra phương án Nhà nước mua lại căn hộ của bà con ở CC cũ, rồi bán cho người dân căn hộ mới? Nhưng nếu làm như vậy thì không chỉ đưa ra cơ chế, mà phải quy định rõ ràng để tránh tình trạng làm cũng được mà không làm cũng được…".

Chưa có lời giải cho chung cư cũ, nát

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng nhận định mấu chốt của thực trạng "rùa bò" trong cải tạo CC cũ là vướng quy hoạch và quy định về số tầng cao (liên quan tới Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực lõi đô thị 4 quận nội thành cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người; kiểm soát chiều cao các công trình trong các quận nội thành).

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng kiến nghị rằng Chính phủ nên cho phép DN được nâng cao số tầng khi thực hiện dự án cải tạo NCC cũ, điều này bảo đảm hài hòa bài toán lợi ích cho cả người dân và DN…

Điệp khúc "chờ"

Kết lại buổi làm việc, các ban ngành Hà Nội đều chung nhận định DN gặp "khó" trong cân đối tài chính dự án cải tạo, xây mới NCC cũ. Đồng thời, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội còn mạnh dạn đưa ra khả năng TP sẵn sàng đầu tư 1.800 tỷ đồng để làm trọn vẹn khu Nguyễn Công Trứ (bằng xây 1 KĐTM để cư dân chuyển từ tập thể Nguyễn Công Trứ cũ về sinh sống). Đổi lại, TP sẽ có quỹ đất sạch để phục vụ hạ tầng xã hội. Nhưng, "nan giải là người dân không chấp nhận phương án di dời, mà chỉ muốn được tái định cư tại chỗ".

Trình bày của Sở Tài chính, Sở Quy hoạch và Kiến trúc lẫn Sở Xây dựng đã cho thấy viễn cảnh "mờ mịt" của hành trình cải tạo, xây mới tập thể cũ ở Thủ đô. DN thì mất cân đối tài chính (riêng tòa N3 Nguyễn Công Trứ đang được thí điểm cải tạo đã đòi hỏi bù lỗ 300 tỷ đồng).

Người dân và nhà quản lý vẫn chưa "gặp nhau" ở hệ số tái định cư tại chỗ (đã được Hà Nội nghiên cứu lên tới 1,4 trong khi người dân yêu cầu 1,5 - 2,5).

Trong khi đó, Hà Nội đang "giao trọn gói" cho DN: DN tự thỏa thuận đền bù, đầu tư và kinh doanh với khuôn khổ pháp lý hiện hành: không thể xây cao tầng để gia tăng hệ số bán hàng, cũng chẳng được cơi nới mật độ dân cư.

Đại diện Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất gia tăng tầng cao khi cải tạo CC cũ, nhưng "không quên" nhấn mạnh về độ an toàn cho người dân. Một trường hợp rõ nhất là nhà C8 Giảng Võ, Hà Nội đã tỏ rõ trách nhiệm khi chưa di dời được dân thì cũng đã gia cố khẩn cấp bằng hàn cột chống, giằng thép để phòng ngừa khả năng mất an toàn đối với công trình.

Hà Nội trước mắt cũng sẽ chủ động tiếp tục gia cố những công trình, bộ phận công trình không an toàn; kiên quyết đưa người dân ra khỏi công trình mất an toàn.

Thành ủy Hà Nội thì… đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép lập đề án "khảo sát, đánh giá khả năng kháng chấn nhà tập thể, CC cũ nằm trong vùng có động đất" và lập Đề án "Tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng các CC cũ tại đô thị và đề xuất giải pháp xử lý đối với NCC cũ, phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân".

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.