28/11/2016 2:12 PM
Dù có nhiều thông tin cảnh báo người dân không nên mua chung cư hay nhà ở xã hội qua kênh gián tiếp nhưng vẫn có những trường hợp người mua cả tin xuống tiền ký hợp đồng mà không xem xét kỹ. Chỉ đến khi chờ mãi mà không thấy căn hộ của mình đâu họ mới đôn đáo khắp nơi và tá hoả khi biết tiền nộp vào “một đi không trở lại”.
Người mua nhà qua Công ty Việt Thái khổ sở vì theo kiện đòi nhà.
Bắc thang lên hỏi ông trời
Suốt một năm nay, gần 100 khách hàng mua nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) làm đơn tố cáo Cty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái (Cty Việt Thái) lừa đảo thu tiền mua nhà của người dân nhưng không giao nhà.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, anh và gia đình anh đã nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Cty Việt Thái. Vì lời hứa hẹn của ông Nguyễn Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Cty Việt Thái cùng nhiều gia đình khác khi đó nên anh Tuấn tin tưởng đặt cọc tiền.
Anh đóng gần 200 triệu đồng góp vốn với công ty và 60 triệu đồng tiền chênh. “Công ty viết cam kết sẽ gửi hồ sơ của tôi đến chủ đầu tư để ký hợp đồng và khi nào ký hợp đồng Cty Việt Thái mới hoàn thành công việc. Nhưng đến nay hơn một năm tôi và các hộ gia đình khác vẫn chưa được ký hợp đồng với chủ đầu tư chính thức. Nhiều lần liên lạc với ông Hùng nhưng ông đều không nghe máy, đến công ty thì không được gặp”, anh Tuấn nói.
Trước sức ép của khách hàng, Cty Việt Thái chỉ gửi thông báo và hứa hẹn xin lùi thời gian ký hợp đồng. Chỉ đến khi anh Tuấn và nhiều khách hàng đến gặp trực tiếp Cty Handico 5 (chủ đầu tư chính thức của dự án) thì mới được biết, Cty Việt Thái chỉ là khách hàng của chủ đầu tư và không có chức năng đứng ra bán nhà hay ký hợp đồng với khách hàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một Phó Giám đốc Cty Handico 5 cho biết, công ty không hề ký kết hay hứa hẹn gì với Công ty Việt Thái. Công ty Handico nhiều lần cảnh báo trên phương tiện báo chí liên quan đến việc mua nhà ở xã hội, người mua nhà nên đến trực tiếp Công ty Handico 5 tìm hiểu.
Thực tế, nhiều người mua nhà vẫn không hề biết nên bị mắc lừa “cò” dụ dỗ qua Công ty Việt Thái mua. Và những hồ sơ Việt Thái thu từ khách hàng chưa được chuyển qua Cty Handico 5. Hiện, Cty Handico 5 đã bán hết căn hộ theo hình thức bốc thăm mua nhà và chuẩn bị bàn giao căn hộ cho những người bốc trúng. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Hùng và Công ty Việt Thái đã thu của 28 gia đình số tiền trên 6 tỷ đồng.
Một vụ khác, hàng chục hộ ký mua nhà tại dự án An Thịnh 6 (Hoài Đức, Hà Nội) do Chủ đầu tư Cty CP Cấp thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư nay cũng chỉ nhận về là một bãi đất trống. Các hộ gia đình đã đi kiện gần 10 năm. Chị Bích Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) một người mua nhà cho biết khi đó giá gốc căn hộ ở đây là 17 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, chị Nga và nhiều gia đình mua qua công ty thứ cấp Hùng Vũ với giá 23 triệu đồng/m2. Toàn bộ số tiền chênh thu ngoài và không có hoá đơn. Quá mệt mỏi vì theo kiện, chị Nga và nhiều gia đình mua nhà tại dự án đành ngậm ngùi chấp nhận mất những số tiền lớn.
Ai bảo vệ quyền lợi người mua?
Theo một đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) với nhà ở xã hội, mọi giao dịch mua bán đều phải tuân thủ theo quy định. “Chủ đầu tư không việc gì phải cấu kết với công ty thứ cấp bên ngoài để bán nhà ở bởi nhà ở xã hội hiện nay cung không đủ cầu, bán đến đâu hết đến đó. Nhà ở xã hội được thanh tra sau khi nhận nhà, nếu có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định. Thậm chí việc mua bán giữa người dân với nhau trái quy định cũng bị tịch thu lại nhà”, vị này nhấn mạnh.
Còn trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, đến nay đã có rất nhiều trường hợp mất trắng số tiền đưa cho chủ đầu tư bằng hợp đồng góp vốn, nếu như công ty tuyên bố phá sản.
Về vụ việc những hộ dân mua nhà qua Cty thứ cấp như Việt Thái, luật sư Sinh Quyền cho biết họ có thể làm đơn kiện công ty với tội danh chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 ngàn đến 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, ông Sinh Quyền lưu ý.
Trước nhiều rủi ro khi mua nhà, luật sư Quyền cho rằng, cần có thêm quy định bắt các chủ đầu tư công khai tiến độ xây dựng dự án và quá trình giao dịch. Cơ quan nào phê duyệt dự án thì thành lập ra bộ phận giám sát nhằm kiểm tra, đôn đốc và hạn chế rủi ro cho người dân. Đa phần dự án do UBND quận, huyện hoặc UBND tỉnh, thành phê duyệt thì cơ quan này phải giao cho sở hoặc phòng TN&MT giám sát, kiểm tra.
Phóng viên Tiền Phong nhiều lần gọi điện thoại cho ông Nguyễn Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thái nhưng không liên lạc được, gọi điện thoại đến công ty nhưng không ai nghe máy. PV trực tiếp đến trụ sở công ty tại một căn hộ tòa nhà 17T2 Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm hiểu thì được biết công ty đã đóng cửa và chuyển đi đâu không ai biết.
Đến cuối ngày 15/11, người mua nhà qua Công ty Việt Thái đã làm đơn kiện lên Tổng cục 5 (Bộ Công an). Đại diện Thanh tra Tổng cục V (Bộ Công an) cho biết đã tiếp nhận phản ánh của người dân và đã hướng dẫn người dân sang cơ quan điều tra quận Cầu Giấy. Hiện, cơ quan điều tra đang tìm hiểu những thông tin liên quan đến tố cáo của người dân về dự án Đại Kim.
Ngọc Mai (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.