Điều đáng nói, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều công trình cũ xây dựng cách đây vài chục năm, không đáp ứng đủ yêu cầu về trang thiết bị PCCC. Đặc biệt, các khu nhà tập thể, chung cư cũ và một số chợ dân sinh luôn ở trong tình trạng "trắng" phương tiện PCCC hoặc có nhưng không hoạt động.
Tại hầu hết chung cư trên địa bàn Hà Nội đều được trang bị hệ thống PCCC nhưng nhiều nơi bị bỏ mốc, hoen rỉ hoặc chỉ để làm… cảnh. Đặc biệt, có những chung cư mới đưa vào sử dụng song lại hoàn toàn không có hệ thống báo cháy. Đó chính là lý do mà cư dân sống tại các khu chung cư luôn nơm nớp nỗi lo "giặc lửa" ghé thăm.
Nguy cơ cháy luôn rình rập
Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy ở các khu chung cư tại Hà Nội khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng… Vụ cháy mới đây xảy ra đúng dịp Tết Trung thu (buổi tối 8/9/2014), đám cháy bất ngờ bùng phát từ tầng 7 của tòa nhà A1 - Chung cư 54 Hạ Đình (Thanh Xuân) khiến hơn một trăm hộ dân rơi vào cảnh hoảng loạn. Trước đó, đêm 30/6/2014, tòa nhà A số 190 đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cũng bốc cháy khiến hệ thống điện của tòa nhà bị cháy rụi. Một vụ hỏa hoạn nữa người dân Hà Nội chưa thể quên đó là vụ cháy xảy ra năm 2010 tại chung cư JSC34 đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) khiến hơn 40 người gặp nạn, trong đó có 2 người thiệt mạng. Cơ quan điều tra xác định, theo thiết kế, ống xả rác bằng thép, nhưng sau đó chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tự ý thay và lắp đặt bằng vật liệu composite. Cũng tại ống xả rác, trong thiết kế có hệ thống phun nước tự động, tưới ẩm rác theo thời gian nhất định, nhưng đã bị thay thế bằng hệ thống cơ (bơm bằng tay) dẫn đến hậu quả đau lòng...
"Trắng" thiết bị báo cháy
Nhiều khu nhà tái định cư mặc dù mới chỉ đưa vào sử dụng khoảng chục năm trở lại đây nhưng các hạng mục cơ sở vật chất cho công tác PCCC đã xuống cấp trầm trọng. Tại 5 tòa nhà thuộc Khu đô thị Đền Lừ (A1 - A5), hệ thống báo cháy tại chỗ hoàn toàn không có. Chiều cao cổng vào dưới 4,25m, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chiều cao cho xe chữa cháy đi vào. Trong sân, mạng lưới đường dây cáp điện trên cao gây nhiều hạn chế cho xe chữa cháy di chuyển, chưa kể đến việc xe ô tô đỗ trong sân chung cư. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở vật chất của chung cư cũng chỉ được làm tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân nếu có đám cháy xảy ra. Tại tòa nhà A3, thang thoát hiểm thực chất chỉ là hố kỹ thuật của hệ thống thang máy, được thay bằng cửa thép để "cải tạo" thành thang thoát hiểm. Trong khi đó, yêu cầu đưa ra là cửa phải làm bằng vật liệu chống cháy để ngăn khói, lửa lan rộng… Tại nhà A2 có 2 cầu thang bộ nhưng đến tầng 16,17 lại chỉ còn một thang. Tại các trụ kỹ thuật điện, người dân chứa rất nhiều vật liệu dễ cháy như thùng các tông, than tổ ong. Đèn chiếu sáng sự cố có nhưng không hoạt động, các vòi, họng phun nước ở vách tường đều không đảm bảo chất lượng, rất khó khăn để mở, vòi rạn nứt, bình chữa cháy không đủ áp suất sử dụng, tòa nhà cũng được trang bị máy bơm nước nhưng các máy bơm điện đều tê liệt, các máy bơm xăng còn lại thì dùng chung với hệ thống nước sinh hoạt của các hộ dân.
Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu CT2A - B Mỹ Đình còn có cả bảng kiểm tra thiết bị hàng tháng, được nhân viên ở các tòa nhà này kiểm tra và ký tên định kỳ. Thế nhưng, mối quan ngại lại nằm ở… lối thoát hiểm. Theo quan sát, các tòa nhà này đều có hầm để xe với hàng trăm ô tô các loại. Nhưng, xe cộ luôn quá tải so với diện tích được bố trí nên các lối ra vào bị hạn chế. Cá biệt như tại tòa nhà CT4, CT5, Khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà thì lối vào lại quá nhỏ. Nhà xe dưới hầm chỉ có một lối thoát, thiết bị phòng cháy được bố trí đủ nhưng không ai dám chắc liệu chúng hoạt động tốt khi có cháy xảy ra…
Liên quan đến bất cập tồn tại về công tác PCCC tại các KTT, nhà cao tầng, chung cư cũ, đại diện Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trang thiết bị các hệ thống báo cháy, chữa cháy, bình chữa cháy, phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn còn thấp. Nguyên nhân chính là do phần lớn các cơ sở đều được xây dựng và đưa vào hoạt động từ lâu và tại thời điểm đó, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh việc cần thiết phải trang bị đối với từng loại hình cơ sở như hiện nay.