16/04/2022 7:00 PM
Toàn ngành xi măng hiện nay mới có 36 trên tổng số 59 dây chuyền sản xuất phải lắp đặt hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải  (WHR) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều lợi ích

Ngành sản xuất xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cả nước hiện có khoảng 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 110 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất tăng thêm 20% nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.

Quy mô ngành xi măng vẫn tiếp tục được bổ sung công suất khi một loạt dự án đầu tư lớn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Dự kiến trong năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền mới đi vào vận hành, với công suất 8,8 triệu tấn.

Đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư trong ngành xi măng

Ngành công nghiệp xi măng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế và là một nhu cầu bức thiết gắn liền với sự phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, trong quá trình trình sản xuất clinker và xi măng thải ra môi trường một lượng nhiệt khá lớn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, theo tính toán, để sản xuất được 1 tấn clinker phải cần từ 58-60KWh điện; từ clinker để nghiền ra 1 tấn xi măng cần khoảng 40KWh. Nếu sử dụng công nghệ nghiền đứng hiện đại, thì nghiền 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 33-34KWh. Như vậy, nếu sản xuất và chạy 100% công suất, ngành xi măng sẽ tiêu thụ khoảng 100 triệu KWh.

Do đó, để đảm bảo phát triển bền vững, các nhà máy được yêu cầu phải lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư (WHR).

Hệ thống phát điện nhiệt khí dư là giải pháp công nghệ mới tiên tiến của châu Âu được nhiều nước ứng dụng trong các ngành công nghiệp. Theo đó, việc đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư trong quá trình sản xuất xi măng đã đem lại lợi ích đa mục tiêu.

Lắp đặt hệ thống WHR không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp các doanh nghiệp xi măng chủ động nguồn điện trong sản xuất, tối ưu hoá thiết bị và đặc biệt hơn là còn giúp giảm áp lực thiếu điện cho ngành điện.

…nhưng làm chưa nhiều

Khi năng lực sản xuất ngày càng lớn, ngành xi măng càng phải không ngừng hoàn thiện về giảm bớt phát thải, giảm tiêu hao năng lượng. Để đạt mục tiêu giảm phát thải, các dây chuyền sản xuất xi măng phải đầu tư hệ thống phát điện nhiệt dư.

Chiến lược Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 quy định đến hết năm 2025, tất cả dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.

Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất xi măng cũng phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường và phải đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Tính đến hết năm 2021, toàn ngành xi măng có 25 dây chuyền sản xuất lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư và 11 dây chuyền đang đầu tư xây dựng. Hiện toàn ngành xi măng mới có 36 trên tổng số 59 dây chuyền sản xuất phải lắp đặt WHR theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

25 dây chuyền xi măng đã lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư

Khối tư nhân chiếm ưu thế

Trong danh mục các dự án đã đầu tư hệ thống WHR, các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân và FDI, liên doanh đã sớm chú trọng tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất xi măng để phát điện trong.

Điển hình là 2 dây chuyền sản xuất clinker của Chinfon 1 và 2 tại Hải Phòng (vận hành từ năm 2014), Insee - Kiên Giang (năm 2012), Xi măng Vissai 3 và 4 tại Hà Nam (2016 - 2016), Vissai Ninh Bình 1 và 2 (năm 2018), 3 dây chuyền của Xi măng Thành Thắng, 3 dây chuyền của Xi măng Long Sơn…

Danh sách 11 nhà máy đang đầu tư xây dựng hệ thống phát điện nhiệt dư

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, những dự án nhà máy xi măng gần đây đều được đầu tư lắp đặt hệ thống WHR ngay trong quá trình xây dựng nhà máy. Các chủ đầu tư đều thiết kế đồng bộ nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm kỹ thuật cao trong sản xuất, như Xuân Thành, Long Thành, Thành Thắng, Long Sơn. Đối với các dự án chưa đầu tư WHR, trong bước tiếp theo sẽ phải hoàn thiện đầu tư lắp đặt hệ thống này.

Đối với khối doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) mới có duy nhất dây chuyền của Vicem Hà Tiên 2 đầu tư hệ thống WHR (năm 2002). Được biết, một số nhà máy sản xuất của VICEM hiện đang mời thầu để đầu tư hệ thống này.

Tương tự, Xi măng Thành Thắng hiện có 4 dây chuyền sản xuất xi măng thì cả 4 dây chuyền đều được lắp đặt WHR ngay trong quá trình xây dựng. Lượng điện tự sản xuất đã đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất.

Trên thực tế, yêu cầu đến hết năm 2025, toàn bộ 59 dây chuyền sản xuất xi măng đều phải lắp đặt hệ thống WHR là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong ngành xi măng.

Tuy nhiên, nếu không tăng tốc đầu tư hệ thống WHR, xuất khẩu xi măng sang các thị trường tiêu chuẩn cao trong tương lai thì sẽ khăn hơn do bị áp thuế phát thải carbon.

Trong năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63-64 triệu tấn, do đó, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng được các doanh nghiệp chú trọng khai thác.

  • Thanh tra dự án nhà máy xi măng 40ha treo 15 năm

    Thanh tra dự án nhà máy xi măng 40ha treo 15 năm

    Dự án nhà máy Xi măng Phú Sơn sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai với các nội dung như nguồn gốc, căn cứ và kiểm tra hiện trạng sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.