Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản VN tại buổi họp báo chiều 13.7 chia sẻ, thị trường bất động sản (BĐS) lên xuống tính theo chu kỳ khoảng 3-4 năm. Kiện tụng trong mua bán BĐS phát sinh vì hợp đồng không chuẩn, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài…

Thưa ông, thị trường đang rất khó khăn trước chính sách thắt chặt tín dụng. Điều này có khiến những doanh nghiệp yếu vốn có nguy cơ phá sản không?


Thị trường BĐS lên xuống tính theo chu kỳ, biên độ của nó khoảng 3-4 năm, lúc này là lúc khó khăn chung, nhưng chưa có đơn vị nào phá sản, vì trong hiệp hội các thành viên chưa ai kêu đến mức phá sản.


Nếu cứ tiếp tục thắt chặt tín dụng thì chắc chắn các đơn vị đầu tư kinh doanh BĐS tiếp tục chịu khó khăn hơn. Có người nói giá BĐS chưa về giá trị thực. Tôi có thể nói giá trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhất là chính sách, nếu không có sửa đổi cơ bản của nghị định 69 mà vẫn tính toán giá đền bù, tư vấn, tâng giá đất chui vào giá thành chắc chắn sẽ đội giá lên cao.


Đồng thời, trong thời gian qua có những nghiên cứu chưa sát thực, căn hộ cao cấp phát triển hơi nhiều trong khi nhà giá trung bình, nhà cho người thu nhập thấp lại quá ít , mà trên thực tế nhu cầu này là nhiều.



Hiện nay, nhà đầu tư đưa ra các điều kiện gì thì phần lớn người mua hàng chấp chận các điều đó. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp cần thu hồi vốn cần đẩy hàng đi trong khi giao dịch lúc này trên thị trường Hà Nội dường như “tê liệt”. Theo ông, liệu có áp lực giảm giá BĐS trong thời gian tới không và cách nào để giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có nhu cầu thực?


Giảm giá thì chưa biết vì giá còn phụ thuộc vào giá đất, chính sách đền bù đất đai. Nguồn cung nhiều giúp người mua càng dễ lựa chọn nhưng sắp tới nên đổi nhà cho người thu nhập thấp chuyển sang thuê và thuê mua, trong đó cho thuê là chính. Bởi lẽ, người có thu nhập thấp bỏ ra mấy trăm triệu ngay một lúc để mua nhà thì không dễ, nên hướng chủ yếu là cho thuê và cho thuê mua, ví dụ trả chậm trong vòng 10-15 năm thì chắc chắn người có thu nhập ổn định sẽ có điều kiện mua nhà.


Có ý kiến cho rằng, khó khăn của thị trường hiện nay một phần nguyên nhân là do cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép cho các doanh nghiệp BĐS có số vốn pháp định là 6 tỷ đồng nên bây giờ siết tín dụng ắt gặp khó khăn, ông thấy sao?


Thực ra quy định 6 tỷ đồng là luật kinh doanh BĐS quy định. Lúc ấy Quốc hội bàn mãi, muốn đưa ra 30, 50 tỷ, nhưng lúc đó tình hình của chúng ta vẫn là các đơn vị nhỏ lẻ thế nên mới quyết là 6 tỷ, chắc chắn sau này dần dần sẽ phải nâng số vốn này lên. Theo tôi, nếu chúng ta tập hợp được nhiều đơn vị cùng nhau thực hiện một dự án, ví dụ: phân thành từng vùng, anh 6 tỷ làm khu vực này, anh 100 tỷ làm khu vực kia, thì chúng ta sẽ có được dự án tổng thể vừa đẹp cho đất nước vừa có lợi cho tất cả các đơn vị.


Hiện nay, việc mua bán BĐS đang phát sinh khá nhiều vụ kiện tụng lẫn nhau, theo ông nguyên nhân do đâu?


Kiện tụng phát sinh vì hợp đồng không chuẩn, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài. Cái chết của chúng ta là những thời kỳ hàng hóa khan hiếm ai mua được là thắng, đến lúc lãi suất lên và những điều khóa của hợp đồng bất lợi cho những người sử dụng. Chính cái này, cơ quan nhà nước phải có hướng dẫn hợp đồng mẫu để bảo vệ các bên. Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội cũng muốn tổ chức thêm các lớp đào tạo các kỹ năng cho các nhà môi giới để hướng dẫn người mua biết bảo vệ quyền lợi của mình sau khi mua. Với tình trạng như hiện nay, nhà đầu tư đưa ra các điều kiện gì thì phần lớn người mua hàng chấp chận các điều đó.

Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.