13/09/2013 8:05 PM
Trên địa bàn TPHCM đang có gần 1.000 căn nhà xây dựng không phép (XDKP). Ngày 12.9, báo Pháp Luật TPHCM đã tổ chức một buổi tọa đàm “Làm sao để dân xây nhà hợp pháp” với sự tham dự của các bên nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Cảnh phá dỡ một ngôi nhà xây không phép tại TPHCM
Biết sai vẫn làm liều

Trước đây khi đề cập đến tình trạng XDKP người ta nghĩ ngay đến việc do thủ tục cấp phép xây dựng (CPXD) quá phức tạp nhưng hiện nay đều đó có còn ?

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Sở Xây dựng TPHCM: “Thực tế hiện nay thủ tục CPXD cũng không có gì phức tạp. Thủ tục CPXD theo QĐ 21 hiện nay được xem là dễ hơn ( đối với nhà ở của dân). CPXD tạm được giảm đi, có quy hoạch (QH) 1/2000 vẫn được cấp chính thức. Trong QĐ 21 cho phép cấp tạm nhà trên lộ giới. Khó khăn nhất hiện nay là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp…”.

Anh Phạm Phú Tâm – một người dân có nhà XDKP và bị cưỡng chế được mời đến buổi tọa đàm cho biết: “Người dân biết XDKP là sai, có thể bị tháo dỡ nhưng họ vẫn xây vì nhu cầu chỗ ở, không đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp, không có tiền mua nhà giá cao. Làm sao để tháo gỡ cho người dân có thể xây được nhiều nhà hợp pháp để giảm bớt áp lực quản lý nhà nước phải xử lý nhà vi phạm”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là CPXD cho đất nông nghiệp, đang xin ý kiến Trung ương…Về tình hình xây dựng không phép ở Bình Chánh, có nhiều chuyện đau xót vì tài sản của dân là của chung nhưng phải lập kỷ cương. Có những khu vực trước đó là đất trống giờ lên google thì kín nhà dân, không thể nào xóa trắng những khu dân cư. Nhưng do quản lý lỏng lẻo nên những khu vực cây xanh….giờ đầy kín nhà”.

Vẫn không có câu trả lời

Bà Đặng Thị Hồng Liên – Phó chủ tịch UBND quận 9 cho rằng: “Thủ tục CPXD rất thoáng. Nhưng sở dĩ vì sao VPXD lại nhiều ? Khó khăn nhất là những người thu nhập thấp, từ nơi khác đến có nhu cầu xây nhà”.

Theo bà Liên, XDKP có nhiều đối tượng. Có giấy tờ hợp lệ nhưng xây dựng trước khi xin phép; hoặc mua đất nông nghiệp không phù hợp QH. Người dân biết sai nhưng trước đây có 2 lần cho hợp thức hóa cho nhà XDKP nên họ cũng hy vọng như vậy.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, đề xuất: “Để tạo điều kiện cho dân xây nhà hợp pháp cần tăng cường cải cách hành chính giải quyết CPXD nhanh nhất. Đặc biệt, người dân mua đất xây nhà phải nắm được QH và điều kiện về cấp phép xây dựng. Nếu không xử lý rất khó khăn, không xử thì phạm luật nhưng xử thì tội người nghèo”.

Ông Đoàn Nhựt – Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng, có 2 dạng khu dân cư, khu nhà giàu có hạ tầng hoàn chỉnh và khu cho người thu nhập thấp, họ chấp nhận chưa có hạ tầng mà vùng ven như Bình Chánh thì rất nhiều. Đứng về góc độ người lao động thu nhập thấp thì làm sao để giải quyết cho họ? Nhu cầu của họ là kiếm mảnh đất cắm dùi để đươc tồn tại ở thành phố vì điều kiện làm việc thu nhập tốt hơn. Họ dành dụm tiền để mua một mảnh đất, sau đó tranh thủ xây nhà chưa cần biết có hợp thức hay không nhưng vì bí bách.

Cũng theo ông Nhựt, nên xác định khu vực nào là được xây hoặc không được xây, khu vực nào là cây xanh, nào là trường… QH hiện nay quá cứng, dẫn tới buộc người dân phải xây và chính quyền phải xử dẫn đến thế đối đầu giữa 2 bên. Ông Nhựt đề xuất, cách lập QH nên linh hoạt hơn, chỉ triển khai khu vực nào cấm xây dựng, còn khu vực được phép thì được xây kèm thủ tục.

Kiến trúc sư Võ Kim Cương – Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng: “ Việc quản lý của chúng ta không theo kịp nhu cầu của người dân. Nhà nước cố gắng nhưng không đổi mới được tư duy nên không đáp ứng được. Viêc kiên quyết (cưỡng chế) của Nhà nước là rất cần thiết. Nếu chúng ta buông lỏng, để người dân xây tràn lan thì phải trả giá rất đắt sau này. Nhiều lần Nhà nước nhường nên người dân ảo tưởng cứ xây rồi được hợp thức hóa. Người dân nghèo cần chỗ ở là bức thiết và họ phải xoay sở, thuê nhà rẻ, mua nhà rẻ. Nếu nhà nước ngăn cấm thì đáp ứng nhu cầu người dân như thế nào ? Kinh nghiệm ở một số quốc gia, họ làm một khu đảm bảo hạ tầng cơ bản để ở trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngọc Huân (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.