CafeLand - Thành phố thông minh là một trong những phương thức tốt nhất để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đó không chỉ là những đô thị mang tính “môi trường cư trú”, mà còn là thành phố của những tương tác thường xuyên giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), đưa ra nhận định trên tại sự kiện phát động Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 (Vietnam Smart City Award) ngày 7-9 vừa qua.

Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam xét trao cho 4 nhóm lĩnh vực. Nhóm 1 gồm các đô thị thuộc 6 loại hình đô thị của Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP. Nhóm 2 gồm các dự án bất động sản, khu đô thị, tòa nhà thông minh. Nhóm 3 là các dự án bất động sản công nghiệp và nhóm 4 là các giải pháp công nghệ cho các thành phố, dự án bất động sản, khu công nghiệp thông minh

VINASA cho biết, đây là giải thưởng được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh (TPTM) bền vững tại Việt Nam và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu, định hướng cũng như các chủ trương chính sách của Chính phủ. Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” sẽ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2020.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay 54,6% dân số thế giới (3,6 tỉ người) sống ở các đô thị, và đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ là hơn 70% dân số thế giới. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt khiến các thành phố trên toàn cầu đối mặt với các vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội. Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh đang được xem là giải pháp hoàn hảo giải quyết triệt để các vấn đề của đô thị hóa.

Trong vào 10 năm trở lại đây, các thành phố phát triển từ New York, London, Tokyo, Singapore đến các thành phố thuộc các nước đang phát triển như Bangkok, Mexico, Cape Town đều tập trung nghiên cứu phát triển xu hướng này. Thủ tướng Ấn Độ thậm chí còn có tham vọng xây dựng 100 thành phố thông minh tại nước này vào năm 2022.

Việt Nam, với 833 đô thị các loại, đang rất tích cực thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh, xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia.

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Đô thị Thông minh bền vững giai đoạn 2018 – 2025, định hướng 2030 với mục tiêu có sáu thành phố thông minh thuộc sáu vùng kinh tế.

Quyết định này đã tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong việc quy hoạch, xây dựng, định hướng phát triển của các thành phố. Đến nay, gần 40 đô thị Việt Nam đã có kế hoạch phát triển thành phố thông minh.

“Thành phố thông minh là một trong những phương thức tốt nhất để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đó không chỉ là những đô thị mang tính “môi trường cư trú”, mà còn là thành phố của những tương tác thường xuyên giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền. Nước càng nghèo càng nên làm thành phố thông minh”, ông Bình nói về tầm quan trọng của thành phố thông minh.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch VINASA giới thiệu Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2020.

Theo ông Bình, các nước giàu thường thiết kế đường xá rộng rãi, họ dành không gian để làm đường rất lớn. Còn các nước nghèo thường có ít đường và đường thì chật chội. Do đó, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhiều người, đầu tiên phải nghĩ đến giải pháp thông minh.

Nói về tính lợi ích của thành phố thông minh, Chủ tịch VINASA chỉ ra những ứng dụng cụ thể, chẳng hạn như, ở thành phố thông minh, các thủ tục liên quan đến cơ quan nhà nước, chỉ cần thực hiện qua điện tử là có thể nhận nhà trong một thời gian ngắn, tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều.

Hay mỗi lần làm thủ tục giấy tờ, thông thường người dân phải mang rất nhiều hồ sơ như chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ đỏ,... nhiều thủ tục, rất tốn kém. Với thành phố thông minh, họ chỉ cần mang một trong các giấy tờ này xác nhận này.

Với vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố thông minh sẽ báo ngay cho mọi người biết tình hình môi trường của thành phố ra sao. Ông Bình nêu ví dụ tại Singapore, người dân đi đường nhìn thấy đống rác, bấm nút báo thì cơ quan vệ sinh thành phố phải trả lời cho họ là đã nhận được thông tin và sẽ dọn sạch trong vòng 30 phút, và gửi lại ảnh xác nhận. Đó là thành phố mọi người có thể tương tác với nhau một cách rõ ràng, thuận lợi và hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp, khi thành phố thông minh có cơ sở dữ liệu mở, một nhà nhập khẩu ô tô có thể truy cập dữ liệu để tính toán xem cần nhập bao nhiêu xe để không thừa và không thiếu.

“Nói vài điều để chúng ta thấy đó là thành phố của tương lai, là con đường không ngắn nhưng chúng ta phải bắt đầu”, ông Bình khẳng định.

Chủ tịch VINASA cho biết, các tiêu chí chấm giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam là những tiêu chí cập nhật nhất để đánh giá sự “thông minh”, đánh giá các tổ chức đã nỗ lực làm gì để cư dân trong khu vực thực sự nhận được các giá trị.

Theo đó, tiêu chí cho nhóm 1 hướng tới khuyến khích xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, nguồn lực, dịch vụ công, các tiện ích thông minh.

Nhóm 2 hướng tới cổ vũ xây dựng môi trường đáng sống, đa tiện ích, cộng đồng văn minh cho cư dân.

Nhóm 3 hướng tới khuyến khích tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam và FDI.

Nhóm 4 hướng tới thúc đẩy những sáng tạo công nghệ đem lại hiệu quả cao trong ứng dụng tại tất cả các hoạt động của các thành phố, khu đô thị, các dự án bất động sản và bất động sản công nghiệp.

Các đơn vị đạt Giải thưởng Thành phố Thông minh bên cạnh việc được nhận Cúp và giấy chứng nhận trong buổi Lễ Công bố trao Giải thưởng “Đô thị Thông minh Việt Nam 2020”, còn được quyền khai thác thương mại biểu trưng của chương trình trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá, và được ban tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá trong suốt năm, đặc biệt là được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2020 (Smart City Summit 2020).

Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 sẽ nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 10/10/2020. Kế hoạch đánh giá, bình chọn sẽ kéo dài 2 tháng trước khi Lễ Công bố và Trao giải dự kiến được tổ chức vào 17/11/2020 nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố Thông Minh Việt Nam 2020.

  • Thành phố thông minh – Xu hướng của tương lai

    Thành phố thông minh – Xu hướng của tương lai

    Trong bối cảnh áp lực của sự gia tăng dân số và yêu cầu phát triển bền vững tăng cao, phát triển những thành phố thông minh đang trở thành lựa chọn hàng đầu của phần lớn quốc gia.

Hồ Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.