Đánh giá về báo cáo tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách năm 2014 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải làm rõ mối qua hệ giữa tăng trưởng kinh tế với đời sống nhân dân.

Thảo luận tại Thường vụ Quốc hội sáng 9/10, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách đã cho thấy bức tranh khá toàn diện: kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP có chiều hướng tăng lên, lạm phát được kiểm soát.

Cụ thể, mức tăng GDP mà đạt gần 6%, trong khi lạm phát 4-5% được đánh giá là "rất hợp lý". Tuy nhiên, theo ông Hùng, báo cáo cần làm rõ hơn nữa thực sự đời sống tinh thần, vật chất của người dân có được cải thiện, có còn bức xúc hay không.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Dẫn chứng về việc báo cáo của Chính phủ đề xuất không tăng lương trong năm 2015, không bố trí được nguồn giải quyết an sinh xã hội, ông Hùng yêu cầu Chính phủ phải có cách xử lý vấn đề này. Ông lấy ví dụ nếu Văn phòng Quốc hội không thể có lương cao cho Chủ tịch thì cũng phải giải quyết cho cán bộ ở dưới. “Mấy ông đang đi làm cán bộ thì còn kêu gọi chưa tăng lương được, chứ các cụ về hưu mà không giải quyết cho họ thì không được”, Chủ tịch nói.

Báo cáo thu chi của Chính phủ cho biết năm 2015, ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Quốc hội. Đặc biệt, cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn thể chưa bố trí được nguồn chi cải cách tiền lương, do đó không có điều kiện điều chỉnh lương cơ sở.

Trong khi với năm 2014, nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỷ đồng, đồng thời phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng, Trong khi đó, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách.

Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn trước việc 2 năm liên tiếp Chính phủ hoãn tăng lương với lý do không bố trí đủ nguồn. “Dư luận hơi băn khoăn vì năm 2014 đã hoãn, nay 2015 cũng không thấy. Nhưng nếu đưa vào thì nguồn đâu, giảm ở đâu để bổ sung chi cho lương”, bà Ngân nói.

Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách năm nay có thể vượt 52.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, từ nay đến cuối năm còn khoảng 3 tháng, là giai đoạn nước rút nên theo kinh nghiệm của ông, số này có thể vượt 80.000 tỷ đồng. Tuy vậy, cơ cấu thu – chi hiện nay đang thực sự rất báo động, khi ngân sách giành tới 72% tổng thu cho chi thường xuyên. Trong khi chi cho đầu tư phát triển thì quá ít nên luôn phải đi vay, phát hành trái phiếu đảo nợ. Người đứng đầu Quốc hội yêu cầu chỉ dành 50% cho chi thường xuyên, 30% chi đầu tư còn 20% để trả nợ.

Từng nhiều năm làm người nắm giữ ngân khố quốc gia, rồi Phó thủ tướng phụ trách ngân sách, Chủ tịch Quốc hội nhận định bức tranh thu – chi ngân sách đang rất xấu theo kiểu thu được đồng nào đem xài hết đồng đó. “Phải hãm phanh lại, không được vay ào ào. Bởi nếu kinh tế không phát triển được nữa, không trả được thì nguy”, Chủ tịch lo ngại.

Ngay cả việc nhiều ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thuế là giảm thu, Chủ tịch cũng không đồng tình, bởi cho rằng đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu. "Bán 100 bát phở mà giá rẻ thì còn hơn bán 10 bát giá đắt", Chủ tịch gợi mở.

Chí Hiếu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.