CafeLand - Khó khăn, thiếu vốn khiến nhiều ông chủ doanh nghiệp bất động sản làm ăn theo kiểu “giật gấu vá vai” để rồi vướng vào vòng lao lý. Những ngày qua thị trường bất động sản lại tiếp tục được một phen xôn xao khi thêm một đại gia bất động sản “sa cơ”. Liệu việc nảy có xảy ra theo hiệu ứng dây chuyền?

Dự án 409 Lĩnh Nam đến nay vẫn là bãi đất trống.

Những ngày qua, dư luận đang nóng vì ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (Megastar Group) bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeaBank) có giá trị 29,5 tỷ đồng.

Theo thông tin từ website của Megastar Group, Tập đoàn này có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp nặng và phát triển đô thị.

Mặc dù việc ông Long bị bắt tạm thời chưa liên quan đến các dự án bất động sản mà công ty này là chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ khi ông Long bị bắt, các dự án bất động sản mà công ty ông đang triển khai được dư luận rất quan tâm vì nó ảnh hưởng đến hàng chục ngàn khách hàng đã mua căn hộ tại các dự án của Megastar.

Điển hình ở dự án 409 Lĩnh Nam, có tên thương mại là Vinhhung Dominium do Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (công ty con của Megastar Group) làm chủ đầu tư, khách hàng đang đứng ngồi không yên khi chủ đầu tư tiến hành huy động vốn của khách hàng, nhưng sau khi khởi công hồi tháng 1/2011 đến nay dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng. Một số khách hàng mua còn lập hẳn một diễn đàn “Forum tập thể khách hàng 409 Lĩnh Nam” liên kết với nhau để “chiến đấu” với chủ đầu tư.

Ngoài dự án nêu trên, Megastar Group còn là chủ đầu tư của nhiều dự án khác như: Hesco Văn Quán, C2 Xuân Đỉnh, Hưng Phú,… với tổng số vốn đăng ký lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Dù không nghiêm trọng như trường hợp của Megastar Group, nhưng thời gian gần đây danh tiếng của Công ty Quốc Cường Gia Lai trên thị trường bất động sản cũng không mấy tốt đẹp. Đặc biệt, mới đây Công ty TNHH Đầu Tư và Phát Triển Nhà Quốc Cường (công ty con của Quốc Cường Gia Lai) bị khách hàng khiếu kiện vì chậm giao nhà. Trong cuộc tranh chấp này khách hàng đã thắng và được nhận phần phạt lãi giao chậm hơn 258 triệu đồng.

Tuy nhiên, mới đây công ty này đã có thông báo thông tin rộng rãi trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM rằng, công ty đang nộp hồ sơ kháng cao đến tòa án nhân dân quận 3 vì không đồng ý với bản án do tòa đã tuyên trước đó.

Trên đây chỉ là 2 trong số vô vàn những trường hợp chủ đầu tư dự án và khách hàng “cơm không lành, canh không ngọt”. Chính sự bất đồng thậm chí là tranh chấp căng thẳng và khiếu kiện kéo dài trên thị trường bất động sản thời gian qua làm dấy lên e ngại sẽ có hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản “dính chấu” trong thời gian tới.

Dẫu biết, các chủ đầu tư cũng rất khó khăn khi không những làm ăn thua lỗ mà còn dính vào vòng lao lý. Nhưng những người thiệt hại nặng nề nhất là khi chủ đầu tư đứng bên bờ vực phá sản lại chính là người mua nhà. Hàng trăm triệu đồng góp vốn vào dự án để mua một căn hộ hình thành trong tương lai nhưng lại nhận lại quả đắng.

Đây cùng là bài học cho người mua nhà, phải thật thận trọng khi “chọn mặt gửi vàng" nhất là khi mua nhà ở những dự án chỉ mới hình hình thành trên giấy. Bởi vì với những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản hiện nay thì việc các chủ đầu tư làm ăn thất bát, phá sản hoàn toàn có thể xảy ra.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.