Dự án đường ven sông Cái được quy hoạch có 23 khu đất tạo vốn với diện tích hơn 80ha. Ảnh: L.Văn
Quy hoạch hàng loạt khu đất tạo vốn
TP.Biên Hòa là địa bàn tập trung nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong số này, có nhiều dự án trọng điểm với số vốn hàng ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới như: Xây dựng kè, đường và công viên dọc sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu); đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn); đường ven sông Cái (từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); Hương lộ 2.
Trước đây, hầu hết các dự án này đều được dự kiến thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Thế nhưng, đầu năm 2018, khi Bộ Tài chính có văn bản về việc tạm dừng xem xét quyết định tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng BT chờ chỉ đạo của Chính phủ, giải pháp này do đó không thể thực hiện được.
Việc quy hoạch các khu đất tạo vốn tại khu vực xung quanh các dự án, nhất là dự án về giao thông, hạ tầng không chỉ giúp tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư mà còn đảm bảo việc phát triển, chỉnh trang đô thị theo đúng quý hoạch. Bởi, các khu đất tạo vốn đều đã được quy hoạch mục đích phát triển cụ thể. Nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá sẽ thực hiện xây dựng các công trình, dự án theo đúng quy hoạch đã được đưa ra nên sẽ tránh được tình trạng phát triển lộn xộn, manh mún về sau. |
Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh sau đó đã chuyển từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án này. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND TP.Biên Hòa tính toán, quy hoạch các khu đất tạo vốn từ các dự án này để phục vụ đầu tư cho các dự án khác.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng của thành phố đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chức năng các khu đất dọc các dự án giao thông lớn để hình thành quỹ đất tạo vốn.
Cụ thể, đối với dự án xây dựng Kè, đường và công viên dọc sông Đồng Nai, sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch khoảng 25ha từ đất khu nghỉ dưỡng, khu cắm trại dã ngoại sang đất dự án, thương mại dịch vụ để tạo quỹ đất đấu giá. Tương tự, các dự án khác như dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, đường ven sông Cái, Hương lộ 2 (giai đoạn 1) đều có các khu đất dọc các tuyến đường này được điều chỉnh quy hoạch sang đất thương mại dịch vụ, đất ở dự án, đất phát triển hỗn hợp… để tạo quỹ đất phục vụ đấu giá. Dự kiến quỹ đất sẽ được đấu giá để tạo vốn của các dự án này là hơn 230ha.
Tương tự, một số dự án khác đang được nghiên cứu triển khai trong thời gian tới như dự án xây dựng Công viên dọc sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh) thuộc P.Bửu Hòa hay dự án xây dựng Công viên dọc sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) trên địa bàn các phường Hóa An, Tân Hạnh cũng được UBND tỉnh yêu cầu tính toán, rà soát để quy hoạch các khu đất tạo vốn.
Không chỉ tại TP.Biên Hòa, nhiều dự án khác sắp được triển khai thực hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được UBND tỉnh yêu cầu phải tính toán, điều chỉnh quy hoạch để có quỹ đất tạo vốn phục vụ tái đầu tư cho các dự án khác.
Các dự án dọc hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa cũng được tính toán quy hoạch các khu đất tạo vốn
Mới đây, khi làm việc với UBND H.Vĩnh Cửu, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương phải xem xét, điều chỉnh quy hoạch khi triển khai các dự án giao thông như: Xây dựng cầu Bạch Đằng 2, đường 768B, đường vành đai Biên Hòa để có quỹ đất đấu giá, tạo vốn để thực hiện các dự án khác trên địa bàn.
Do đó, UBND tỉnh chấp thuận để H.Vĩnh Cửu thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số khu vực sẽ triển khai các dự án giao thông. Từ đó, trong quy hoạch sử dụng đất, huyện phải tính toán, nghiên cứu để khai thác quỹ đất tạo vốn trên cơ sở thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu, việc khai thác quỹ đất tạo vốn dọc các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh là khá thuận lợi. Đơn cử như dự án đường ĐT 768B sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới. Đường ĐT 768B có điểm đầu tuyến tại xã Bình Hòa và cuối tuyến kết nối vào đường Phát Triển thuộc xã Vĩnh Tân. Hiện nhiều diện tích đất dọc hai bên tuyến đường này là đất nông nghiệp, do đó việc điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất tạo vốn là khá thuận lợi.
Giải “bài toán” vốn đầu tư
Năm 2020, Đồng Nai triển khai thực hiện hàng trăm dự án, trong đó có rất nhiều dự án về giao thông và xây dựng hạ tầng. Phần lớn các dự án đều sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách còn hạn hẹp, một số hình thức đầu tư chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện thì việc tìm vốn để thực hiện các dự án vẫn là một “bài toán” khó.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, các dự án nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để thực hiện thì rất khó khăn. Do đó, trong quá trình thực hiện các dự án, các địa phương cần rà soát kỹ quỹ đất. Đối với các khu vực trong phạm vi các dự án dân cư sinh sống ít có thể thu hồi để thực hiện đấu giá. Đặc biệt, khi các dự án này hoàn thành, giá trị các khu đất này sẽ được nâng cao, do đó việc đấu giá các khu đất này sẽ mang lại nguồn vốn để “tái” đầu tư cho chính các dự án này.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định để có nguồn lực đầu tư, quá trình thực hiện các dự án phải tính toán khai thác quỹ đất từ chính các dự án. Với sức hút từ các dự án, quỹ đất tạo vốn sẽ được nâng cao về giá trị, do đó đây sẽ nguồn bổ sung vốn quan trọng.
Trên thực tế, khi có các dự án, nhất là các dự án về giao thông, hạ tầng được triển khai, giá đất khu vực xung quanh vùng dự án thường tăng gấp nhiều lần so với trước. Lâu nay, do không thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn nên phần chênh lệch, phần giá trị tăng cao của quỹ đất khi có dự án, thường chỉ “rơi” vào tay một số cá nhân có đất. Trong khi đó, Nhà nước dù bỏ vốn để thực hiện các dự án nhưng lại không được “hưởng lợi” từ phần tăng thêm giá trị từ quỹ đất. Do đó, việc quy hoạch các khu đất tạo vốn từ các dự án là phương án tối ưu để Nhà nước có thể nhận được phần giá trị chênh lệch về giá đất, từ đó có vốn để tái đầu tư cho các dự án khác nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho số đông người dân.