* Gần đây, nhiều phương án được đề xuất nhằm tăng vốn đầu tư lâu dài cho thị trường BĐS. Ông đánh giá thế nào về hướng đi này của Việt Nam?
- Các chính sách ban hành thường mất một thời gian để phát huy hiệu lực trên thị trường, vì thế không phải chính sách nào cũng có thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Mục đích của các chính sách là đẩy nhanh quy trình và đảm bảo một nền kinh tế vận hành bền vững. Tôi thấy, Chính phủ đã làm tốt việc ổn định nền kinh tế và tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
* Theo ông, có nên xem tái thế chấp BĐS như một phương án thêm nguồn tiền cho thị trường?
- Việc đi vay là một hình thức hợp pháp giúp gia tăng doanh thu. Chi phí vay thường thấp hơn so với vốn đầu tư bỏ vào dư án, nên việc tài trợ vốn là một công cụ tài chính hữu hiệu. Quan trọng hơn, nguồn vốn vay thế chấp cho người sử dụng cuối cùng và người đi thuê hiện đang sẵn có. Các nguồn vốn vay rẻ hơn cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng bán lẻ đang là những yếu tố thuận lợi cho phân khúc kinh doanh nhà ở.
* Thị trường BĐS sẽ thế nào nếu Việt Nam áp dụng phương án này, thưa ông?
- Phương án này có nhiều lợi ích, vì cho phép người mua tiếp cận các nguồn vốn, điều này giúp thúc đẩy kinh doanh, góp phần đem đến thành công cho dự án nhà ở. Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đã áp dụng vay thế chấp cho các dự án phát triển nhà ở. Hiện, lãi suất vay tại Việt Nam đã giảm đáng kể, đây sẽ là hình thức quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Mặt trái của nó là không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả các nhà đầu cơ cũng có thể tiếp cận nguồn tài chính này. Các ngân hàng cần cẩn trọng trong việc cho vay để hạn chế việc vay với mục đích đầu cơ. Nguồn cầu thực đối với người sử dụng cuối cùng sẽ duy trì ổn định thị trường.
* Theo ông, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngắn hạn thời điểm này có hợp lý không?
- Nguồn tín dụng ngắn hạn chỉ cần thiết khi các nhà đầu tư chưa hiểu về thị trường. Việt Nam hưởng lợi từ mô hình trả trước mà lâu nay tài chính từ người mua bổ sung vào nguồn vốn để phát triển dự án. Nguồn tín dụng ngắn hạn sẽ cần thiết khi doanh số bán không đủ để tạo nguồn vốn cho việc tiếp tục dự án. Chắc chắn là những chủ đầu tư nhiều kinh nghiệm sẽ biết tận dụng nguồn vốn vay để tăng doanh thu và lợi nhuận, tuy nhiên việc này chỉ trong dài hạn.
* Năm 2014, kiểm soát các nguồn tiền chặt chẽ hơn, việc tạo dòng chảy tín dụng mới cho thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ông bình luận thế nào về nội dung này?
- Các điều kiện kinh tế hiện nay đang thuận lợi cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi đã thấy rất nhiều sự quan tâm từ hai nhóm này. Các nhà đầu tư có vốn ngoại cũng có thể mang theo kinh nghiệm và chuyên môn của mình vào Việt Nam để đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao. Điều này tạo ra những mối quan hệ "hai bên cùng có lợi" cho các nhà đầu tư.
* Như ông nói, dòng tiền chảy vào BĐS đang quay trở lại?
- Đúng vậy. Theo báo cáo mới nhất của Savills, trong quý II/2014, TP.HCM có lượng căn hộ được tung ra thị trường cao nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây. Đó là về phía chủ đầu tư và nguồn cung, còn về phía người tiêu dùng, sức hấp thụ của thị trường đạt 17%, đây là mức tiêu thụ căn hộ được ghi nhận cao nhất kể từ năm 2011.
* Cảm ơn ông!