Khách hàng “tố” chủ đầu tư “ăn” chênh lệch tỷ giá
Chị P, một người mua nhà tại dự án nói trên cho biết: Chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường đã viện cớ thu tiền đợt cuối theo tỷ giá USD quy đổi ra VND để kiếm lời thêm một khoản tiền lớn do chênh lệch tỷ giá.
Theo tìm hiểu của PV, có những hợp đồng khách hàng đã ký với Nam Cường từ năm 2010 đến nay đã đóng 70% giá trị căn hộ, thời điểm ký hợp đồng tỷ giá là 19.500 VND/USD.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 vừa qua, các khách hàng nhận được thông báo đến thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận nhà. Lúc này, giá USD trên thị trường đã biến động tăng lên trên 21.000 VND/USD nên Nam Cường đã có thông báo thu tiền trượt giá.
Theo hợp đồng đã ký kết tại các thời điểm khác nhau của người mua nhà thì tại điều khoản thanh toán mặc dù ghi rõ là thanh toán bằng đồng Việt Nam nhưng đợt cuối lại được chủ đầu tư đóng mở ngoặc bên cạnh số tiền Việt bằng tương đương tiền đôla khi bàn giao căn hộ. Cùng với đó, hợp đồng được “thòng” thêm điều khoản phát sinh hợp đồng có ghi rõ: Tại thời điểm bàn giao căn hộ, nếu tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ biến động tăng giảm lớn hơn 2%, thì giá trị căn hộ còn phải thanh toán của đợt cuối cùng sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá bán ra giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ của Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm đó.
Rất nhiều lần khách hàng tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư thế này mới được đại diện chủ đầu tư gặp mặt đối thoại.
“Việc tính chênh lệch tỷ giá vào thời điểm hiện tại sẽ giúp Tập đoàn Nam Cường thu thêm về từ 530.000 đồng/m2 đến 580.000 đồng/m2 với đơn giá từ 22 - 25 triệu đồng/m2. Với căn hộ 100 m2 khách hàng sẽ phải nộp thêm từ 53 - 58 triệu đồng cho chủ đầu tư. Với hàng trăm căn hộ thì số tiền Tập đoàn Nam Cường thu về không hề nhỏ”, chị P phân tích.
Các khách hàng đều cho rằng việc chủ đầu tư quy định thanh toán đợt cuối theo biến động tỷ giá là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Khách hàng viện dẫn: theo Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Cùng với đó, công văn số 9861/NHNN-QLNH năm 2010 của Ngân hàng nhà nước cũng nêu rõ: “Việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ghi đơn giá bằng đồng Việt Nam và quy đổi tương đương đô la Mỹ hoặc được bảo đảm bằng ngoại tệ (dưới hình thức kèm tỷ giá tham khảo và quy định đơn giá sẽ thay đổi trong trường hợp tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại biến động tại thời điểm thanh toán) là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và bị xử lý vi phạm hành chính”.
Trên cơ sở đó, các khách hàng đề nghị hủy bỏ khoản 3.4 điều 3 về phát sinh trong hợp đồng và khách hàng chỉ chấp thuận thực hiện thanh toán đợt 6 trên cơ sở tổng giá bán căn hộ theo giá trị tiền Đồng Việt Nam.
Nam Cường nói gì?
Làm việc với khách hàng chiều 5/12 có ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường, ông Mai Hữu Đạt, Ban Pháp chế, ông Cao Thanh Bình, Giám đốc sàn giao dịch Nam Cường và ông Lê Duy Mạnh là giám đốc chi nhánh Hà Tây.
Về vấn đề thu tiền đợt cuối theo tỷ giá, phía đại diện Tập đoàn Nam Cường khẳng định với khách hàng nội dung trong hợp đồng không trái với pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và Nghị định 160 hướng dẫn pháp lệnh ngoại hối.
Đại diện Nam Cường cho hay: Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, theo quy định của luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì không áp dụng hồi tố. Vì thế, hợp đồng đã ký kết là tuân thủ các quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005.
Vấn đề tỷ giá trong hợp đồng theo đại diện Nam Cường thì dùng để tham chiếu đảm bảo công bằng cho cả khách hàng và chủ đầu tư.
Về vấn đề khách hàng đề nghị Tập đoàn Nam Cường cung cấp các tài liệu chứng minh việc các tòa nhà CT7, CT8 , HH2 đã đủ điều kiện bàn giao theo quy định của pháp luật nhưng phía đại diện Nam Cường chỉ khẳng định được bằng “miệng” đã đủ điều kiện bàn giao, đã mời các cơ quan chức năng nghiệm thu công trình… mà chưa đưa ra được giấy tờ chứng minh cho khách hàng.
Tuy nhiên, phía khách hàng cung cấp thêm thông tin: Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trả lời khách hàng rằng Tập đoàn Nam Cường đã nộp hồ sơ nhưng chưa đủ hồ sơ để nghiệm thu nên đang đề nghị bổ sung.