16/08/2023 11:23 AM
Kinh doanh thua lỗ, nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn 3.600 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay liên quan đến dự án Tisco 2 đã quá hạn thanh toán… ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Gang thép Thái Nguyên trong 12 tháng tới.

Lý do Tisco bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Nêu ý kiến tại Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất giữa niên độ năm 2023 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS), Kiểm toán AASC đã đưa ra những ý kiến đáng chú ý.

Cho rằng, bản báo cáo tự lập của Tisco đã phản ánh “trung thực và hợp lý”, tuy nhiên, Kiểm toán AASC đã nhấn mạnh về việc tại ngày 30/6, nợ phải trả của nhà sản xuất thép này đã vượt 4,85 lần vốn chủ sở hữu, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 3.615 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) đã quá hạn thanh toán. Trong đó, nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng là 1.077 tỷ đồng và chi phí lãi vay phải trả của dự án Tisco 2 quá hạn 1.364 tỷ đồng.

Dự án Tisco 2 là một trong những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã được Thủ tướng chỉ đạo xử lý trong thời gian qua

Nửa đầu năm, Tisco có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ 136 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 33 tỷ đồng) và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm hơn 135 tỷ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán này, khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới của Tisco sẽ phụ thuộc vào số phận của dự án Tisco 2 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp.

“Những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, Kiểm toán AASC nhấn mạnh.

Kiểm toán AASC nhấn mạnh nhiều vấn đề tại BCTC hợp nhất giữa niên độ 2023 của Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Chụp màn hình

Một vấn đề khác được kiểm toán nhắc đến là Công ty CP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Thái Trung (công ty con của Tisco) được thành lập từ năm 2011, đang trong giai đoạn đầu tư với hoạt động kinh doanh chính là thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, công ty này tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Do đó, số liệu đang dừng để hợp nhất là số liệu của bảng cân đối kế toán trong BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2014, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ không được hợp nhất do không có số liệu tương ứng...

Bên kiểm toán cũng lưu ý các vấn đề nhấn mạnh này không làm thay đổi ý kiến kiểm toán ngoại trừ đã nêu ở trên.

Người trong cuộc lên tiếng

Liên quan đến vấn đề này, phía Tisco cũng đã có những phản hồi về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Doanh nghiệp này cho biết, nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng phần lớn liên quan đến dự án Tisco 2.

Được biết, dự án Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, do Tisco làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

Đây là một trong 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã được Thủ tướng tích cực chỉ đạo xử lý trong thời gian qua. Đến nay, dự án này đã kéo dài sang năm thứ 17 chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Trong kết luận về dự án trên, Thanh tra Chính phủ cũng đang kiến nghị "Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ kế hoạch và Đầu tư" rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, Tisco không có khả năng thanh toán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến xử lý những vướng mắc (nếu có).

Đối với nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng còn lại, công ty đang tích cực làm việc với ngân hàng để được gia hạn trả nợ cho các khoản vay này.

Bên cạnh đó, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như giảm tồn kho ở mức hợp lý, tích cực làm việc với các ngân hàng cho vay vốn để được cấp hạn mức tín dụng ở mức tối đa, thỏa thuận với các nhà cung cấp để tăng thời gian trả chậm cũng như yêu cầu khách hàng ứng trước tiền khi mua hàng... các chính sách này đã giúp công ty đảm bảo có được đầy đủ nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Tisco, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí đầu vào điều chỉnh không tương ứng dẫn đến tỷ lệ lãi gộp giai đoạn cuối kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, kết quả kinh doanh của công ty trong kỳ này sụt giảm so với kỳ trước.

Năm 2023, Tisco lên kế hoạch doanh thu đạt 15.826 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 39 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, công ty còn cách rất xa mục tiêu có lãi trong năm nay.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.