Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang "ngộp"
Vỡ mộng
Từ một người không biết gì về đầu tư đất đai, anh Dương (ngụ TP. Thủ Đức) đã trở thành “con nghiện” buôn đất sau khi theo bạn bè góp tiền “lướt sóng” và kiếm tiền dễ dàng.
Anh Dương nhớ lại, thời điểm ngay sau khi dịch bệnh Covid – 19 kết thúc, cơn sốt đất bùng nổ khắp nơi. Cứ mỗi cuối tuần, anh cùng chiến hữu rong ruổi khắp các quận huyện vùng ven TP.HCM đến Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Thậm chí lên cả khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông... tìm đất mua đi bán lại.
Thời điểm đó, chỉ sau vài vụ chốt nóng nhóm của anh Dương đã kiếm lời cả tỉ đồng. Mỗi người có vài trăm triệu đồng. Số tiền lớn hơn cả một năm đi làm công ăn lương.
Nghĩ cơ hội chỉ đến một lần, cuối năm 2021, anh Dương quyết định “chơi lớn” khi dùng toàn bộ tiền vốn, tiền lời và vay thêm ngân hàng 1.5 tỉ đồng để mua 2 mảnh đất ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
“Chơn Thành là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hạ tầng tốt, tương lai xây dựng cao tốc nối với TP.HCM, Bình Dương nên rất tiềm năng. Thị trường lúc đó cũng sôi động nên tôi nghĩ đợi một thời gian có thể bán lại kiếm lời”, anh Dương nói.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường bắt đầu khó khăn, giao dịch bất động sản tại Chơn Thành dần teo tóp rồi “đóng băng” cho tới nay.
Hiện nay, mỗi tháng anh Dương đang phải trả hơn 30 triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng. Trong khi thu nhập công việc chính cũng đang bị tụt giảm nên rất áp lực. Anh Dương liên hệ nhiều môi giới địa phương nhờ bán gấp, chấp nhận lỗ cả trăm triệu nhưng không có khách.
“Cứ tưởng sẽ làm giàu được từ đất, ai ngờ nay vì đất mà thở oxy luôn”, anh Dương cay đắng.
Nếu như anh Dương là tay ngang thì anh Tùng lại có thâm niên hơn chục năm đầu tư bất động sản. Với kinh nghiệm của mình, anh Tùng cho biết, đầu tư bất động sản có thắng có thua, nhưng phần lớn các thương vụ của anh đều lời.
Tuy nhiên, hơn chục năm trong nghề, anh Tùng thừa nhận chưa bao giờ thấy thị trường khó khăn như hiện nay. Thậm chí, khó hơn cả giai đoạn “đen tối” 2008 - 2012.
“Diễn biến bất ngờ, khó khăn dịch bệnh chưa ổn định thì suy thoái kinh tế, chiến tranh. Trong nước, hàng loạt vụ tiêu cực kinh tế liên quan trái phiếu, ngân hàng, bất động sản…càng khiến tình hình càng khó khăn”, anh Tùng nói.
Đang nắm nắm trong tay hơn chục nền đất, anh Tùng muốn bán bớt để cơ cấu lại dòng tiền, trả các khoản ngân hàng sắp đáo hạn. Tuy nhiên, rao bán nhiều tháng vẫn không ra được hàng. Để giải quyết khó khăn tạm thời, anh Tùng đành bán rẻ chiếc xe ô tô mới mua hơn 1 tỉ với giá chỉ còn 700 triệu đồng.
Cứu không nổi
Chị Bình, một môi giới bất động sản cho biết, mỗi ngày chị nhận hàng chục cuộc điện thoại của người nhờ bán đất. Phần lớn họ đang gặp áp lực lớn ngân hàng nên muốn bán gấp. Nhiều chủ đất chấp nhận giảm giá bán, cắt lỗ từ vài trăm đến cả tỉ đồng nhưng vẫn rất khó tìm khách mua.
“Nhiều người goi điện tâm sự cả tiếng đồng hồ về hoàn cảnh gia đình, áp lực nợ nần. Mình rất thương, nhưng gọi cho khách nào chào mua họ cũng lắc đầu cả”, chị Bình nói.
Anh Duy, một môi giới khác cho biết, anh đang có một khách gửi nhờ bán lô đất tại quận 9 (TP. Thủ Đức) với giá 2,5 tỉ đồng (giảm hơn 800 triệu so với trước đó). Một khách khác gửi căn hộ giá 3,2 tỉ đồng lúc mua nay muốn bán lại 2,8 tỉ đồng. “Dù giá giảm mạnh như vậy nhưng cả tháng tôi đăng tin, gọi điện giới thiệu vẫn không có người nào quan tâm. Đói thanh khoản đang là vấn đề khó khất của thị trường”, anh Duy nói.
Thị trường bất động sản "đói" thanh khoản trầm trọng
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023. JLL Việt Nam cho biết, trong 3 tháng qua, chỉ có 36 căn nhà liền thổ ở TP.HCM được giao dịch thành công.
Trước đó, báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường khác cho biết, trong tháng 5/2023, cả khu vực TP.HCM và Bình Dương chỉ có 138 căn hộ được giao dịch ở thị trường sơ cấp, giảm 98% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường sơ cấp nhà liền thổ chỉ có 5 căn được giao dịch, giảm 99% so với cùng kỳ.
Theo anh Tùng, thị trường bất động sản đang mong chờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đi vào thực tế. Trong đó, có việc gỡ vướng về thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản, nguồn vốn trái phiếu, giảm lãi suất ngân hàng...
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng, ngoài những chính sách trên, thị trường bất động sản có sớm hồi phục hay không còn tùy thuộc vào yếu tố rất quan trọng là niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản.
“Hiện nay giá đã về rất thấp nhưng nhiều người có tiền họ vẫn không sẵn sàng mua vì mất niềm tin sau những cơn sốt đất ảo, một số chủ đầu tư làm ăn không uy tín. Do đó, sắp tới thị trường bất động sản cần minh bạc để kéo niềm tin của người mua trở lại”, anh Tùng nói.
-
Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong đó cho biết toàn cảnh bức tranh của thị trường và những khó khăn đang gặp phải.








-
Thống nhất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận lên 8 làn xe
Ngày 27/5, Sở Xây dựng tỉnh Long An xác nhận đã chấp thuận đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Theo Tập đoàn Đèo Cả, toàn tuyến sẽ được nâng cấp theo hướng mở rộng trùng tuyến hiện hữu, đảm bảo đồng...
-
Ô tô Hàng Xanh xin ý kiến cổ đông về việc bán bất động sản lớn tại TP.HCM
Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua kế hoạch chuyển nhượng một bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM....
-
TP.HCM sắp nâng cấp nút giao Ngã Tư Đình gần 400 tỷ đồng
TP.HCM đang đẩy mạnh triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc. Trong đó, dự án nâng cấp nút giao Ngã Tư Đình (Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Quá, Quận 12) với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi c...