Ôm hận lao vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận
Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.
Thông tin lên quận của các huyện này chính thức được đề xuất được giới đầu tư bất động sản tập trung chú ý. Nhiều người kỳ vọng sẽ có “sóng mới” thậm chí tạo thành “cơn sốt” tại những khu vực này.
Nhiều dự án tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỷ của giới đầu cơ.
Đánh giá về thay đổi này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, đây là một tin đáng mừng cho thị trường BĐS của các huyện. Với đề xuất đầu tư xây dựng này, từng huyện sẽ có định hướng phát triển và nâng tiêu chuẩn để phù hợp với mức độ đô thị hóa cao hơn của tên gọi cấp hành chính mới. Những động thái đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản khu vực.
Tuy nhiên, đặt vấn đề về việc giá bất động sản tại các huyện sau khi lên huyện sẽ có sự đột biến tạo cơn sốt mới theo bà Hằng giá bất động sản có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời.
“Việc 4 huyện sắp lên quận, cũng cần lưu ý rằng, quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học; đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm” – bà Hằng nói.
Cũng theo vị Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, từng khu vực có thể sẽ có mức tăng giá khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đầu tư, thời điểm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiện ích.
“Sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản; và để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành… Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Có thể nói nếu thị trường ghi nhận tình trạng tăng giá quá nhanh thì đây là tình trạng sốt đất ảo” – bà Hằng nhấn mạnh.
Từ thực tế thời gian qua, bà Hằng dẫn lại giá đất tại Đông Anh và cho biết đây chính là minh chứng cho điều này.
“Trước thông tin Đông Anh lên quận, các đợt sốt đất xuất hiện nhưng cũng đã lắng xuống sau đó. Đã có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường bất động sản khu vực này nhưng đã không có được lợi nhuận như kỳ vọng do thị trường suy giảm. Đây là bài học cho các thị trường khác: Các nhà đầu tư đang muốn đầu tư lướt sóng cần xem xét rủi ro thanh khoản của bất động sản tại những khu vực này” – vị Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho hay.
Đất Đông Anh giao dịch ảm đạm
Trở lại Đông Anh sau một tháng động thổ dự án thành phố thông minh 4 tỷ USD và một số dự án nghìn tỷ đồng ở khu vực này, giá đất tại đây chưa có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái, lượng giao dịch không đột biến.
Khu vực Đông Anh có nhiều dự án lớn nhưng đều trong tình trạng chuẩn bị đầu tư, đang trong quá trình lập quy hoạch, trình duyệt, giải phóng mặt bằng... giá đã ở mức cao, thậm chí có nơi cao hơn giá trị thật của thị trường.
Dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, ngay chân cầu Nhật Tân, con phố chừng 200m nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc là trụ sở của chục sàn bất động sản. Trong khi một nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản tại đây quảng cáo giá đất đang mở đầu một chu kỳ sốt mới sau khi các dự án lớn khởi động. “So với 2 tháng trước, có nơi giá tăng 10% nhưng ít người muốn bán bởi kỳ vọng giá còn lên nữa", nhân viên kinh doanh thông tin. Đồng thời cho biết lượng khách quan tâm bất động sản khu vực này cao gấp đôi nên người mua phải "chốt" nhanh.
Thì một người dân địa phương làm nghề môi giới nhiều năm tại đây cho biết, giá đất giao dịch thành công ở khu vực này không tăng trong suốt một năm qua. Lượng nhà đầu tư tìm hiểu đất tại xã Vĩnh Ngọc có tăng nhẹ khoảng 10% so với đầu năm 2019, song ở những xã khác giá rất chững.
Khảo sát thị trường hiện nay, giá đất mặt đường gom Võ Nguyên Giáp hiện rao bán ở mức 170-190 triệu đồng mỗi m2, không tăng so với năm ngoái. Đất tái định cư, giãn dân trong các trục đường cắt ngang, đường khoảng 9-10m có giá bán dao động 80-120 triệu đồng mỗi m2. Trong đó, các ngõ ôtô vào được khoảng 50 triệu đồng mỗi m2, ở các ngõ nhỏ giá 24-30 triệu. Giá giao dịch thành công các khu vực này hầu như không tăng trong vòng một năm qua.
Đánh giá về thực trạng trên tại Đông Anh, chuyên gia bất động sản cho rằng, sau nhiều đợt tăng giá trước đây, hiện giá nhà đất tại Đông Anh đã ở mức cao, thậm chí có nơi cao hơn giá trị thật của thị trường. Chuyên gia này cho rằng, mức giá trên không phản ánh đúng thị trường, có phần ảo nên không kích thích các nhà đầu tư, hoặc những người có nhu cầu sở hữu nhà đất để kinh doanh tiếp tục xuống tiền, trừ khi có cú hích lớn về hạ tầng hoặc động thái mới của các chủ đầu tư lớn.
Gần đây, việc một số dự án lớn có động thái mới nhưng vấn chưa đủ sức hút với các nhà đầu tư do chưa có những biến đổi rõ rệt hơn về tốc độ triển khai khu vực Đông Anh hiện có nhiều dự án lớn, nhưng đều trong tình trạng chuẩn bị đầu tư, đang trong quá trình lập quy hoạch, trình duyệt, giải phóng mặt bằng...
“Để nhìn thấy rõ sự thay đổi của các huyện này trong quá trình đô thị hoá và thị trường BĐS phản ánh điều này lên giá đất là một lộ trình. Nhà đầu tư vì vậy nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình” – bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội. |