Nhiều chuyên gia nhận định năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ được khôi phục, tạo nên sức mạnh để dẫn dắt thị trường, tăng giá trị và tạo sức hút với nhà đầu tư (NĐT). Số lượng ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán cũng sẽ tăng mạnh, góp phần vào sự phát triển của thị trường.
Kể từ khi ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tái cơ cấu, giá trị cổ phiếu liên tục giảm. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2017, rất nhiều mã cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng giá.
Nguyên nhân là do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, cùng việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nợ xấu có thể xử lý nhanh hơn giúp doanh thu của ngành ngân hàng tăng trưởng tốt. Nhờ vậy mà cổ phiếu ngân hàng “tạo sóng” từ cuối năm 2017.
Khởi sắc trở lại
Nhìn lại diễn biến trong năm 2017 có thể thấy hầu hết giá cổ phiếu của các ngân hàng tăng nhiều hơn giảm, ngân hàng càng nhỏ thì mức tăng càng lớn. Chẳng hạn như cổ phiếu của HDBank từ mốc 9.000 đồng hồi đầu năm 2017, nhưng đến cuối năm đã vọt lên mức 30.000 đồng – 32.000 đồng/cổ phiếu.
Hay trường hợp cổ phiếu TPBank trong năm qua cũng đã tạo được bước tăng trưởng ấn tượng trên thị trường OTC. Hồi đầu năm, cổ phiếu này được xếp vào nhóm cổ phiếu giá “bèo”, đã có bước nhảy vọt xếp ngang với giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như MB, VietinBank, VIB, BIDV. Tính đến cuối năm 2017, giá một cổ phiếu TPBank được đẩy lên quanh mức 25.000 – 26.000 đồng.
Mức tăng “khủng” nhất phải kể đến cổ phiếu TCB của Techcombank có mức tăng gấp 4 lần so với đầu năm, lên mức 57.000 đồng – 60.000 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá về thị trường trong năm 2017, hầu hết các công ty chứng khoán đều cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn hơn các năm trước. Chính vì vậy mà giá cổ phiếu niêm yết trên sàn tăng trong thời gian gần đây và các NĐT ngoại không muốn bỏ qua cơ hội nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Thực tế, trong năm qua, hoạt động ngành ngân hàng có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40%, tổng tài sản hệ thống ước tăng 17,2% so với cuối năm 2016, thanh khoản dồi dào, lãi suất cho vay và huy động giữ mức ổn định.
Đặc biệt, “cục máu đông” nợ xấu đã có hướng xử lý theo Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu. Các ngân hàng chủ yếu thu lời từ hoạt động tín dụng, mà tốc độ tín dụng gần đây tăng trưởng tốt cũng làm cho kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Mặc dù cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2017 có sức hấp dẫn lớn với NĐT, nhưng tính đến thời điểm hiện nay mới có 13/34 ngân hàng thương mại tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Kết quả khảo sát vừa được thực hiện của Vietnam Report, có đến 45% NĐT chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư trong năm 2018.
“Nóng” từ quý II
Con số này so với kế hoạch đặt ra còn thấp. Song các chuyên gia cho rằng với việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa ngân hàng theo tiêu chuẩn Basell II, cổ phiếu của một số định chế ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn NĐT, chắc chắn trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng mặc dù còn vướng nhiều rủi ro về thể chế quản lý và nợ xấu tồn đọng, nhưng trong năm qua, các ngân hàng đã rút ra nhiều bài học quản trị và đã có thời gian để dự phòng rủi ro nợ xấu. Cùng với đó, nợ xấu đang được các ngân hàng ráo riết xử lý trong năm nay, cổ phiếu sẽ được nhiều NĐT trong và ngoài nước đón chờ.
Trong khi đó, nhiều NĐT kỳ vọng các ngân hàng sẽ sớm lên sàn trong năm nay. Ông Hà Anh Đức, một NĐT chứng khoán, cho hay: “Cổ phiếu ngành ngân hàng có dấu hiệu hồi phục nên NĐT quan tâm nhiều hơn. Hầu hết ngân hàng có kế hoạch niêm yết trên sàn chính thức trong năm nay như VIB, Techcombank…, hay đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên sàn UPCoM như BacA Bank, VietBank… đều là những ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017”.
Kết quả khảo sát vừa được thực hiện của Vietnam Report, có đến 45% NĐT chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư trong năm 2018.
Ngoài ra, các NĐT cho rằng trong quý I, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đà tăng giá, nhưng sang quý II mới là thời điểm các NĐT xem xét việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, bởi đây là khoảng thời gian các ngân hàng công bố kết quả lợi nhuận và tiến độ xử lý nợ xấu một cách rõ nét nhất.
Chủ đề: Cổ phiếu ngân hàng,
Huyền Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.