Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng nhanh trước những thông tin kinh tế vĩ mô dần dần ổn định như lạm phát giảm, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán gần được cân bằng, dự trữ ngoại tệ tăng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) ổn định và lãi suất giảm. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TTCK trong thời gian tới tăng hay giảm phụ thuộc vào kinh tế vi mô, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không.
TS Nghĩa cho rằng hiện có 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam. Kịch bản thứ nhất nếu cứ để nguyên tình hình hiện nay, lạm phát cả năm sẽ giảm ở mức 4-5% và GDP tối đa cũng chỉ đạt mức 4,9-5%. Kịch bản thứ hai nếu có sự kích thích của Chính phủ thì lạm phát giữ ở mức khoảng 8% và GDP sẽ đạt mức 5,5%. TS Lê Xuân Nghĩa nói chúng ta nên chọn kịch bản thứ hai để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Nếu đi đúng kịch bản như vậy, từ cuối quý 1/2013 trở đi, TTCK mới có thể tăng một cách ổn định. Nhưng mức độ gia tăng mạnh hay nhẹ còn phụ thuộc vào việc xử lý nợ xấu của NH.
Cũng như chứng khoán, thị trường BĐS phụ thuộc vào việc giải quyết nợ xấu NH bởi nợ xấu hiện nay phần lớn là nợ về BĐS và có liên quan đến BĐS. Vì vậy, nếu giải quyết được nợ xấu, nguồn tiền đổ vào thị trường BĐS thì thanh khoản của thị trường BĐS sẽ gia tăng. Tuy nhiên quá trình xử lý nợ xấu đang được Chính phủ bàn giải pháp nên thời gian thực hiện sẽ kéo dài 1-2 năm tới. Nếu nguyên nhân khiến thị trường BĐS giảm giá trước đây cho rằng do thắt chặt tiền tệ, đầu tư công thì giá BĐS sẽ phục hồi trở lại từ tháng 4.2013. Xu hướng phục hồi của thị trường BĐS có thể thấy rõ từ cuối năm 2013. Hơn nữa, đó cũng là thời điểm các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo thị trường BĐS của châu Á được hồi phục.
Đồng quan điểm trên, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng nhận định việc khai thông nợ xấu của hệ thống NH sẽ khiến tín dụng quay trở lại thị trường. Từ đó sẽ có một phần đi vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng hay BĐS dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, nguồn tín dụng đi vào BĐS có thể không quá lớn vì vẫn nằm trong hạn mức tăng trưởng chung về tín dụng trong năm 2012 của hệ thống NH cũng như những hạn chế về tín dụng cho một số lĩnh vực của thị trường này.