20/11/2017 9:30 PM
Theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, từ 15/1/2018 sẽ bắt đầu thực hiện phương án phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ tán thành cao (88,80%). Theo đó, có 5 phương án được đưa ra để cơ cấu lại các TCTD trọng diện kiểm soát đặc biệt.
Các phương án này bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; và Phương án phá sản.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Phương án phá sản bao gồm các nội dung tối thiểu: Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản; Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Về việc tổ chức phá sản, NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, NHNN trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Trước đó, trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tới vấn đề tái cơ cấu các TCTD và tập trung xử lý nợ xấu. Các đại biểu băn khoăn về tiền gửi của người dân trong ngân hàng sẽ ra sao khi cho phép phá sản ngân hàng bởi 80% tiền trong ngân hàng là của người dân.

Đáp lại mối quan tâm của các đại biểu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng. Tuỳ trường hợp cụ thể, đặc biệt sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét xử lý.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định hơn. NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát./

Trần Ngọc (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.