Cụ thể, từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN luôn chủ động đưa ra các thông điệp và mục tiêu khá rõ ràng trong điều hành CSTT. Đồng thời, NHNN kịp thời, đồng bộ và quyết liệt trong triển khai các giải pháp để đạt được các mục tiêu đặt ra. Kết quả rõ nét nhất là từ tình trạng lạm phát luôn trong trạng thái 2 con số với mức biến động mạnh và bất ổn những năm trước đây đã được kéo về mức 1 con số và ổn định xoay quanh mức chỉ 6% trong các năm 2012, 2013. Cùng lúc đó, lãi suất liên tục được kéo giảm xuống và hiện chỉ ở mức thấp của nhiều năm về trước. Việc kìm cương được “con ngựa bất kham” lạm phát cùng lúc với giảm được lãi suất đáng kể là điều hiếm có xảy ra trong các nền kinh tế mới nổi.
“Kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất là hai việc ngược nhau. Muốn chống lạm phát phải tăng lãi suất, nhưng Việt Nam vừa chống lạm phát song vẫn giảm được lãi suất thì đó là một thành công” – TS. Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét.
Chính sách tiền tệ chủ động theo mục tiêu kiểm soát lạm phát
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được củng cố; tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt con số thấp hơn những năm phát triển “nóng” trước đây vì đã đi vào hiệu quả và chất lượng hơn; tỷ giá ổn định; quản lý thị trường vàng đi vào thực chất, loại trừ ra khỏi công cụ làm phương tiện thanh toán… cũng là những yếu tố mà tất cả các thành viên thị trường đều có thể thấy rõ. Năm 2014, sự chủ động một lần nữa được đưa ra, thể hiện qua các phát biểu của lãnh đạo NHNN về điều hành tiền tệ, lãi suất, TTTD, tỷ giá, thị trường vàng ngay trong những ngày đầu năm.
Nhưng dễ hơn, thuận lợi hơn không có nghĩa là các nhà điều hành vĩ mô có thể lơ là trong phối hợp chính sách, mà chỉ nên coi đây là những nền tảng tốt để tiếp tục những nỗ lực và tập trung cao độ cho chặng đường sắp tới. Đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 02 sắp có hiệu lực, các vấn đề nội tại của hoạt động ngân hàng chưa được giải quyết triệt để trong lúc nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn thách thức, áp lực lạm phát vẫn lớn… thì công tác điều hành lại càng không thể một phút chủ quan.
Đáng mừng là tâm lý thỏa mãn, chủ quan dừng lại không xuất hiện khi chúng ta thấy ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2014, công tác chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong điều hành của Chính phủ cũng như sự triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương đều được thể hiện rõ.
Mới đây nhất là ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Riêng đối với ngành Ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo định hướng cả năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD.
Với sự chủ động và quyết tâm trên, có cơ sở tin rằng NHNN sẽ tiếp tục đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ lớn của năm 2014 đã đưa ra. Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của một NHTM Nhà nước gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chia sẻ, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, có thể điều chỉnh giảm thêm 1-2%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Tất nhiên, để các mục tiêu, nhiệm vụ và kỳ vọng này đạt được thì ngoài nỗ lực của NHNN còn cần sự chung tay của các bộ, ngành khác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Song không thể phủ nhận thông điệp mà Thống đốc đưa ra ngay từ đầu năm chính là cơ sở của niềm tin, tạo nên kỳ vọng bứt phá mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Khi niềm tin được nhen lên, được nhân rộng, mọi người sẽ hứng khởi để có những kế hoạch đổi mới, vượt qua thử thách chông gai, hướng tới những thành công và những thành quả tốt đẹp mới.
Trong điều hành CSTT, theo TS. Trần Du Lịch, nhiệm vụ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không để tái bùng phát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần TTTD hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5% - 6%. Bên cạnh đó, việc phối hợp chính sách tài khóa, CSTT và lộ trình điều chỉnh khung giá các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như năng lượng, y tế, giáo dục cũng cần được thực hiện rất nhịp nhàng và xuyên suốt. Ngoài ra, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu cũng cần được thúc đẩy để đến 2015 thực hiện bằng được việc lành mạnh hóa toàn hệ thống, tạo tiền đề phát triển bền vững cho giai đoạn sau.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính - ngân hàng lưu ý rằng, những năm trước đây, lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu dường như đã “một mình một ngựa”, khá tách biệt với điều hành CSTT. Đơn cử như với giá điện, theo thống kê, giai đoạn 2011-2013, mặt hàng này đã tăng 6 lần, trong khi giá xăng dầu cũng tăng tới 5 lần. "Ấy là một trong những sự "lạc điệu" cần tránh trong thời gian tới" – TS. Lực đề xuất.