13/11/2017 10:03 PM
Người nợ thì được đóng ít tiền hơn người nộp ngay, đó là bất cập lớn trong chính sách thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hiện nay.
Chính sách đóng tiền sử dụng đất hiện nay còn nhiều bất cập
Nợ sướng hơn nộp ngay
Cụ thể theo quy định, người ghi nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) nếu đề nghị thanh toán nợ trước hạn sẽ được hỗ trợ 10%/năm trên số tiền đóng trong thời hạn là 5 năm (mỗi năm được hưởng hỗ trợ 2%). Trong khi đó, những người nộp ngay tiền SDĐ khi có thông báo của cơ quan chức năng lại không được hưởng ưu đãi gì.
Anh Dũng, ở Q.7, TP.HCM, cho biết anh đi chuyển mục đích SDĐ, làm giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho một căn nhà ở P.Tân Hưng. Khi nhận được thông báo đóng tiền SDĐ, anh đã làm đơn xin nợ trong thời gian 5 năm do hoàn cảnh khó khăn, và nợ để được hưởng chính sách hỗ trợ lên đến 10% trên tổng số tiền nợ nếu thanh toán trước hạn. Theo tính toán của anh Dũng, số tiền SDĐ anh phải đóng khoảng 200 triệu đồng, nếu có tiền đóng ngay sau khi ghi nợ thì anh được ưu đãi 10% trên tổng số tiền. Nếu đem số tiền này gửi ngân hàng, mỗi tháng anh cũng có được lãi suất khoảng 6%/năm, gửi trong thời gian 5 năm tương đương với 30%. Hết 5 năm, tiền gốc dùng trả nợ tiền SDĐ, còn tiền lãi thì bỏ túi. “Nhà nước cho nợ thì mình cứ nợ, khi nào nhà nước đòi thì mình trả. Số tiền đó đem gửi ngân hàng hoặc làm ăn thì cũng có được một khoản thu nhập kha khá trong lúc kinh tế gia đình vẫn còn nhiều eo hẹp”, anh Dũng tính toán.
Anh Đặng Hữu (Q.12) cũng đang xin chính sách nợ tiền SDĐ. Gia đình anh có 1 miếng đất 1.200 m2, trong đó có 300 m2 đất thổ cư tại xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi. Anh Hữu xin chuyển hết số đất trên thành đất thổ cư và đang làm thủ tục xin nợ tiền SDĐ trong thời gian 5 năm. "Nhà nước cho người dân hưởng ưu đãi thì mình cứ dùng. Số tiền SDĐ của nhà tôi chắc chắn không phải là nhỏ, nếu đem đi làm ăn trong thời gian 5 năm hay gửi ngân hàng cũng thu được một khoản lợi nhuận nhất định thay vì mang đi đóng. Còn nếu nộp kịp trong năm cuối vẫn còn được hưởng 2%/số tiền đóng", anh nói.
Trục lợi chính sách
Một lãnh đạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.7 cho biết nhiều trường hợp nhà có điều kiện, chuyển đổi hàng ngàn mét vuông đất nhưng vẫn đăng ký chính sách nợ tiền SDĐ. Thậm chí cán bộ thuế còn tư vấn cho người dân nợ tiền SDĐ để được hưởng ưu đãi này. Bởi sau khi ghi nợ khoảng 1 tuần, người dân đi đóng sẽ được hưởng trọn 10%/số tiền đóng. Còn nếu sau 1 tuần không đóng kịp thì người dân được hưởng ưu đãi chỉ còn 8%, cứ thế ưu đãi sẽ giảm dần mỗi năm 2% cho đến khi hết. Mặc dù biết họ xin nợ để “trục lợi” chính sách nhưng không thể cấm được vì luật cho phép.
Theo vị này, việc quy định ghi nợ tiền SDĐ là chủ trương của nhà nước nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn về tài chính khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích SDĐ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Ngoài ra, quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với đối tượng đang SDĐ, kể cả trong trường hợp người SDĐ chưa có nhu cầu về cấp giấy chứng nhận. "Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế cuộc sống thì phát sinh bất cập như đã nêu. Trước đây, để được ghi nợ, người dân phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng khó khăn tài chính. Nhưng quy định này đã bỏ, hiện nay chính sách về ghi nợ tiền SDĐ đơn giản là hộ gia đình, cá nhân chỉ cần có đơn đăng ký là được ghi nợ", vị này cho biết.
Đình Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.