Với nhiều người Anh, việc sở hữu được một ngôi nhà chỉ là mơ ước nhất là tại London, điều đó lại càng không tưởng. Đơn giản vì lúc nào giá nhà tại đây cũng cao ngất ngưởng, ít nhất cũng vài trăm nghìn USD.
Một người dân Anh cho biết: “Hiện tôi làm cùng lúc hai công việc nhưng không ăn thua. Cả hai đều không giúp tôi có đủ tiền để mua nhà”.
Và để hỗ trợ người dân sớm thực hiện giấc mơ sở hữu một căn hộ riêng mình, Chính phủ Anh ban bố một chính sách mới. Theo đó, với những bất động sản trên 600.000 bảng, người mua nhà chỉ cần đặt cọc cho ngân hàng 5% giá trị ngôi nhà. Còn Chính phủ cũng đứng ra đảm bảo 15% giá trị. Tiền nhà sẽ được trả góp trong nhiều năm.
Chính sách mới ban bố đương nhiên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân. Nhưng cũng không ít ý kiến quan ngại, nó sẽ làm dấy lên một cuộc bong bóng bất động sản khi các nhà đầu cơ lợi dụng thời cơ tăng giá vô tội vạ. Bằng chứng là chỉ sau vài giờ chính sách được phát đi, giá nhà đất đã tăng mạnh nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.
Ông Nick Clegg, Phó Thủ tướng Anh cho biết: “Một khi gói hỗ trợ được tung ra, nhu cầu về nhà đất sẽ tăng đột biến, kéo theo giá nhà vùn vụt tăng theo. Hệ lụy xấu nhất sẽ dẫn tới bong bóng nhà đất như đã từng diễn ra vài năm trước. Ngoài ra chúng ta cũng cần suy xét đến độ tin cậy của người mua nhà. Một khi cấp tiền ồ ạt, tôi lo ngại chúng ta không đánh giá hết mức độ rủi ro của khoản vay”.
Các ngân hàng như Barclay hay Standard cho biết cũng đang cân nhắc trước khi quyết định tham gia cuộc chơi. Bởi họ chính là người phải bỏ ra nhiều tiền nhất trong cuộc chơi này.
“Nếu bạn quan sát một số nước như Canada, Thụy Điển, Na Uy, thậm chí New Zeland, họ luôn sử dụng tối đa các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Nhất là kiểm soát rất chặt các khoản cho vay thế chấp và vay cá nhân trong những năm qua. Với chính sách này của Chính phủ, một khi tiền tung ra ồ ạt, tôi sợ các ngân hàng sẽ không thể đánh giá hết mức độ rủi ro của các khoản cho vay. Đồng thời cũng không suy xét kỹ lưỡng độ đáng tin cậy của người đi vay để mua nhà và điều đó là vô cùng nguy hiểm” - Jane Foley, kinh tế trưởng ngân hàng Rabobank cho biết.
Cũng theo nhiều ý kiến, thay vì bỏ tiền đảm bảo cho các khoản vay thế chấp mua nhà thì Chính phủ nên Anh nên tự mình đứng lên xây nhà để bán cho người dân. Như vậy, vừa có thể quản lý được nguồn cung, lại vừa kiểm soát về giá, tiện cả đôi đường.