Hàng loạt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản được thông qua nhưng e rằng những chính sách này vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy thị trường. Ảnh: Thanh Thịnh
Hôm nay (01/07), một số quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, từ ngày 01/07 sẽ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Đồng thời thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2...
Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng căn hộ này hiện đang còn tồn khoảng hơn 10 nghìn căn. Do đó, việc áp dụng giảm 50% mức thuế VAT trong khoảng thời gian nêu trên sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho những người đang có nhu cầu về nhà ở. Đồng thời đây cũng là “sáng kiến” giúp giảm số lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, từ đó tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường.
Cũng từ hôm nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) sẽ chỉ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%, giảm 5% so với trước đây. Tuy nhiên, mức thuế này lại không áp dụng với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn, bất động sản và dự án đầu tư. Riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng được áp mức thuế ưu đãi 10% với phần thu nhập phát sinh từ hoạt động này kể từ 1/7.
Theo lộ trình giảm thuế đã được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2014, sẽ áp mức thuế 22% chung cho doanh nghiệp và giảm về 20% từ ngày 1/1/2016. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20% là hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu đồng loạt giảm thuế cho các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chính sách này sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn.
Cuối tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông qua quyết định thành lập Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 09/07 tới.
VAMC được thực hiện các hoạt động như: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay... thông qua 2 hình thức: Mua nợ theo giá thị trường và sử dụng nguồn vốn mà công ty này huy động được; Mua nợ xấu bằng giá trị sổ sách sau khi đã trích lập dự phòng bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC tự phát hành.
Một số ý kiến cho rằng, VAMC đi vào hoạt động sẽ mua lại các khoản nợ xấu có đảm bảo bằng tài sản, mà phần lớn các tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Do đó, hoạt động của VAMC sẽ giúp cho khối nợ đọng bấy lâu nay trong ngân hàng bắt đầu dịch chuyển.
Tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm cho rằng, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng cộng với việc chỉ xem xét “mua nợ tốt” (VAMC chỉ mua những khoản nợ mà khách hàng vay có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng vay là tổ chức) thì VAMC rất khó đánh “tan cục máu đông”. Điều nay đồng nghĩa với việc thành lập VAMC chỉ tạo tác động tâm lý nhiều hơn là tác động thực tiễn. Nợ xấu ngân hàng sẽ không thuyên giảm, doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ không dễ dàng được vay vốn mới và tất nhiên nếu không “làm đến nơi đến chốn” thì những dự án dở dang chậm tiến độ vẫn cứ sẽ “đứng như trời trồng”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những chính sách kể trên sẽ có tác dụng tích cực lên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tác động ở mức nào thì còn cần thời gian để đánh giá. Nhưng trước khi những chính sách này phát huy hết tác dụng của nó thì các doanh nghiệp bất động sản có lẽ phải tiếp tục tự thân vận động, tự bảo vệ mình để không bị thị trường đào thải trước khi được “giải cứu”.